Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Giữ thương hiệu gạo Điện Biên

PV - 09:10, 30/07/2018

Từ lâu, gạo Điện Biên đã nức tiếng khắp cả nước bởi độ thơm ngon, dẻo ngọt. Tuy nhiên, thời gian qua gạo Điện Biên đang bị một số tư thương pha trộn với các loại gạo khác bán ra thị trường làm thiệt thòi cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo Điện Biên. Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đang phải nỗ lực thực hiện các giải pháp để giữ vững thương hiệu gạo của địa phương.

Thật giả lẫn lộn

Mua gạo Điện Biên không khó, bởi hiện nay có hàng trăm cửa hàng gạo lớn nhỏ trải khắp TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, thậm chí bán lẻ tràn lan khắp các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh. Nhưng để chọn lựa được gạo ngon đúng chuẩn Điện Biên là điều không hề dễ, nhất là đối với những người chưa từng ăn gạo Điện Biên hoặc các du khách từ nơi khác đến.

Người bán thì luôn giới thiệu là gạo đặc sản chính hãng Điện Biên, thu mua từ tay người dân đem về đóng gói. Trọng lượng đủ loại, từ 2kg, 10kg đến những bao lớn trọng lượng 50kg.

gạo Điện Biên Cánh đồng Mường Thanh hiện có khoảng 2.000ha sản xuất lúa gạo hàng hóa.

Chị Lăng Thị Thúy Huyền, người dân tổ dân phố 2, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết, bản thân chị là người Điện Biên nhưng cũng luôn gặp khó khi chọn mua gạo đúng chuẩn về sử dụng. “Mình toàn mua chỗ người quen thôi. Nhiều khi cũng không yên tâm, sợ người ta trà trộn gạo khác vào hoặc sợ lúa phun nhiều thuốc trừ sâu”, chị Huyền nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên thừa nhận, hiện nay, gạo Điện Biên đã phân phối khắp các tỉnh thành trong cả nước và có thể dễ dàng chọn mua ở bất kì cơ sở nào. Tuy nhiên, việc “phủ sóng” ấy không đồng nghĩa với chất lượng. Chính vì thế, tiếng tăm có được mới chỉ theo truyền miệng mà chưa xây dựng được thương hiệu bền vững.

Hiện nay, gạo Điện Biên được sản xuất tại cánh đồng Mường Thanh, với diện tích khoảng 4.300ha, trong đó có khoảng 2.000ha là sản xuất cho mục đích hàng hóa. Mặc dù diện tích lớn, song người nông dân đa phần vẫn giữ lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều khi gieo trồng còn không thống nhất về giống, phương pháp và thời điểm canh tác khiến gạo bị lai tạp, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, dẫn đến thoái hóa, làm giảm chất lượng.

Giải pháp giữ thương hiệu

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Điện Biên luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là phải xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên một cách bền vững nhằm nâng cao giá trị hạt gạo. Ngoài nâng cao kiến thức trong sản xuất cho người nông dân, chuyển đổi từ gieo vãi sang hiệu ứng hàng biên và máy cấy kéo tay, ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên cũng đang tập trung hướng mạnh tới các hoạt động thanh, kiểm tra vào các cơ sở xay xát, chế biến gạo, từ đó để đảm bảo hạt gạo chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Ông Bùi Minh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Chi Cục Quản lý chất lượng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm soát các cơ sở xay xát, chế biến gạo. Hiện, chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận cho gần 30 cơ sở sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn. Tuy nhiên vì lợi nhuận, tư thương đóng gói bao bì rất đẹp nhưng đưa ra ngoài tỉnh là trà trộn gạo khác ngay. Chính vì thế, đơn vị cũng đã đề xuất, các hợp tác xã khi liên kết sản xuất phải xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên và được cấp chỉ dẫn địa lý, đóng nhãn mác lô gô đàng hoàng. Những đơn vị nào có ghi gạo Điện Biên nhưng không gắn tem lô gô được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thì sẽ phải có biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Một giải pháp nữa đang được địa phương triển khai là, sản xuất theo chuỗi an toàn, tăng cường sự liên kết trong sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn. Hướng đi này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia sản xuất và cung ứng sản phẩm có chất lượng cao. Hiện đã có 3 đơn vị đi tiên phong là Công ty TNHH Safe Green, Hợp tác xã Thanh Yên và Hợp tác xã Nông nghiệp chất lượng cao bản Mé. Tổng diện tích dự kiến thực hiện đến hết năm 2018 là khoảng 150ha với hàng trăm hộ dân trên địa bàn tham gia.

Để đảm bảo thương hiệu gạo Điện Biên ngoài việc siết chặt quá trình sản xuất chất lượng, các chuỗi liên kết còn sử dụng các mã code để người tiêu dùng có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm...

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.