Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Gỡ khó” cho huyện nghèo

PV - 09:11, 09/04/2018

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 đến 2020 theo Quyết định số 275/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù đời sống người dân nơi đây đã đổi thay, song vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cây chè là một trong những cây xóa đói giảm nghèo của huyện Tân Uyên. Cây chè là một trong những cây xóa đói giảm nghèo của huyện Tân Uyên.

 

So với những năm trước, diện mạo nông thôn ở Tân Uyên đang có sự thay đổi từng ngày. Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa thay cho nhưng con đường đất, bụi bặm. Những ngôi nhà mới khang trang được mọc lên, các công trình dân sinh được đầu tư xây dựng kiên cố, bộ mặt nông thôn đang khởi sắc từng ngày, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Chúng tôi đến xã Tà Mít để thấy rõ hơn những đổi thay trong công tác giảm nghèo ở Tân Uyên. Tà Mít là một trong 4 xã thuộc diện Chương trình 135 của huyện Tân Uyên, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 25%. Bản Tà Mít được xây dựng từ năm 2011 theo Chương trình di dân tái định cư Thủy điện Bản Chát.

Có được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ đời sống sau tái định cư, người dân đã yên tâm phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no hạnh phúc. Ông Lường Văn Mới, bản Chom Dưới là một điển hình về phát triển kinh tế gia đình ở Tà Mít. Nhờ tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và sự giúp đỡ tận tình của chính quyền mà cuộc sống của ông Mới ngày càng khá giả. Hiện tại, ông đang nuôi hàng chục con trâu, cùng rất nhiều lợn gà. Ngoài ra, ông còn đầu tư nuôi cá lồng, cho thu hoạch khoảng 4 tạ cá/1 năm.

Được biết, bản Chom Dưới hiện có 31 hộ dân, 174 nhân khẩu với 100% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Sau khi thực hiện di dân tái định cư, được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, đời sống nhân dân trong bản ngày càng “thay da, đổi thịt”. Hiện nay, bản chỉ còn 2 hộ nghèo.

Ông Lường Thanh Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Tà Mít cho biết, với tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, cấp ủy, chính quyền xã xác định vận dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước với hộ khó khăn là một trong những giải pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo. Theo đó, hằng năm, xã Tà Mít triển khai các chính sách, Chương trình 30a, Chương trình 135 và chính sách hỗ trợ khác của huyện, tỉnh. Chính quyền xã Tà Mít tập trung triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi riêng để đảm bảo chính sách phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2017, xã đã vận dụng các chính sách hỗ trợ, phát triển được 20 lồng cá, giúp các hộ dân có thu nhập khá cao.

Được biết, những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Tân Uyên luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo thực hiện, ưu tiên các nguồn lực tập trung cho việc giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác giảm nghèo của huyện chưa thực sự bền vững, đời sống của người dân ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Cùng với đó là việc tiếp thu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước còn nhiều hạn chế.

Theo ông Hà Trọng Hải, Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, nguyên nhân chính là do trình độ dân trí không đồng đều giữa các khu vực, nhiều hộ thoát nghèo chưa bền vững; một số nơi còn tồn tại những hủ tục dẫn tới việc thực hiện giảm nghèo còn khó khăn. Bên cạnh đó là do hạ tầng kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là tại những xã, bản vùng sâu, vùng cao; giao thông tại các thôn bản còn hạn chế…

Để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, huyện Tân Uyên sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập của hộ nghèo, nhất là hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn để hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn, thủy lợi phục vụ sản xuất, đảm bảo đời sống dân sinh.

Ông Hải nhấn mạnh: “Đặc biệt, Tân Uyên sẽ tập trung giải quyết cơ bản 05 nhu cầu xã hội còn thiếu hụt của người nghèo theo Đề án nghèo đa chiều của Thủ tướng Chính phủ là giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường và thông tin truyền thông”.

Hoàng Quý

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.