Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Gỡ khó cho Quỹ phát triển đất

Sỹ Hào - 06:12, 24/04/2024

Quỹ phát triển đất là chính sách sử dụng nguồn tiền từ sử dụng đất và huy động những nguồn khác, phục vụ quá trình đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ở các địa phương miền núi, việc khai thác nguồn quỹ này khá khó khăn.

Gỡ khó cho Quỹ phát triển đất
Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất được Cục Quan lý tài sản công (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 22/4/2024.

Ngày 22/4/2024, Cục Quản lý giá Quản lý công sản (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ phát triển đất. Đây là một hoạt đọng nhằm sớm đưa Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 vào thực tiễn đời sống.

Điều 114 của Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 quy định: "Quỹ phát triển đất của địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập để ứng vốn phục vụ các nhiệm vụ thuộc chức năng của tổ chức phát triển quỹ đất, thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật".

Thực tế, Quỹ phát triển đất không phải là chính sách mới. Mô hình hoạt động của Quỹ phát triển đất được quy định lần đầu tiên trong được Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, Quỹ Phát triển đất thực hiện nhiệm vụ của 3 quỹ: Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).

Sau hơn 20 năm, Quỹ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc cân đối vốn được cấp từ nguồn tiền sử dụng, thuê đất, đấu giá quyền sử dụng và huy động những nguồn vốn khác phục vụ công tác ứng vốn, chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư. 

Đồng thời, quỹ cũng đã tạo lập và phát triển quỹ đất cho các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương miền núi, hoạt động của Quỹ phát triển đất (bao gồm: Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN) khá khó khăn. Mục tiêu của cả 03 loại quỹ là rất lớn nhưng nguồn huy động cho các quỹ không nhiều, hơn nữa kinh phí giải ngân của các quỹ cũng rất khiêm tốn.

Đơn cử tại Thái Nguyên, một tỉnh khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, hết năm 2023, tổng nguồn vốn 3 quỹ được giao quản lý và sử dụng là 1.255 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ phát triển đất được giao hơn 1.025 tỷ đồng (vốn ngân sách gần 1.009 tỷ đồng, vốn huy động bổ sung từ doanh nghiệp gần 17 tỷ đồng); Quỹ đầu tư phát triển có vốn điều lệ 200 tỷ đồng; Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là 30 tỷ đồng.

Trong năm 2023, Quỹ phát triển đất của tỉnh Thái Nguyên chỉ thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, giải ngân ứng vốn cho 11 dự án, với tổng số tiền gần 140 tỷ đồng; thu hồi vốn ứng từ các đơn vị, địa phương số tiền 318,6 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, dư nợ vốn ứng của Quỹ là 352 tỷ đồng, trong đó nợ trong hạn 86 tỷ đồng, còn lại là nợ quá hạn.

Đối với Quỹ đầu tư phát triển và Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, hết năm 2023, cả 2 quỹ này đều chưa thực hiện được nghiệp vụ cho vay, đầu tư và nghiệp vụ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Còn tại Hà Giang, hoạt động của Quỹ phát triển đất còn khiêm tốn hơn. Riêng đối với Quỹ đầu tư phát triển của tỉnh, được thành lập từ năm 2008, đến nay, tổng số vốn hoạt động do Quỹ quản lý mới đạt trên 171 tỷ đồng; tổng số dự án đã cho vay là 63 dự án với số tiền giải ngân là 158 tỷ đồng và bảo lãnh tín dụng là 25,5 tỷ đồng.

Gỡ khó cho Quỹ phát triển đất 1
Thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, một trong những nguyên nhân khiến Quỹ phát triển đất tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc, là chưa rõ nguồn vốn hoạt động của Quỹ gồm những nguồn vốn nào để đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ của Quỹ; thực hiện việc cấp vốn điều lệ cho Quỹ hay đưa vào dự toán ngân sách để chi bổ sung vốn hoạt động hàng năm cho Quỹ?

Đây cũng là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh quan tâm, làm rõ tại các phiên giải trình trước Quốc hội về Luật Đất đai (sửa đổi). Theo ông Khánh, pháp luật hiện hành không quy định hằng năm ngân sách địa phương trích tỷ lệ phần trăm (%) nguồn thu tiền sử dụng đất để bổ sung nguồn vốn hoạt động Quỹ, mà giao cho HĐND các địa phương tự quyết định mức trích nguồn vốn cho Quỹ. Điều này khiến nguồn vốn hoạt động của Quỹ hằng năm thiếu ổn định, khó khăn cho việc lập kế hoạch nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Quỹ.

Tại Hội nghị tổ chức ngày 22/4/2024, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, để Quỹ phát triển đất thực sự phát huy vai trò trong thực tiễn, việc có một Nghị định mới là hết sức cấp thiết. Ông Khắng cho rằng, dự thảo Nghị định mới về việc sử dụng vốn hoạt động của Quỹ phát triển đất cần bảo đảm thực hiện vào 4 nhiệm vụ: Ứng vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ứng vốn thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng để đấu giá quyền sử dụng đất; ứng vốn thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đau đối với đồng bào DTTS; ứng vốn thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Quỹ phát triển đất trước đây được thành lập theo quy định của Đất đai năm 2003; được cụ thể tại Điều 34 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ, Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg ngày 12/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ tiếp tục được quy định tại Điều 111 Luật Đất đai năm 2013, được cụ thể tại Điều 6, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập Quỹ phát triển đất.

Tin cùng chuyên mục
Cơ hội tạo dựng thương hiệu du lịch vùng Đông Bắc

Cơ hội tạo dựng thương hiệu du lịch vùng Đông Bắc

Cả nước có 4 công viên địa chất toàn cầu, thì riêng vùng Đông Bắc đã sở hữu 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm: Non nước Cao Bằng; Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); Công viên địa chất Lạng Sơn, cùng Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và một số cửa khẩu thông thương với nước bạn Trung Quốc. Đây là cơ hội cho các tỉnh vùng Đông Bắc xây dựng thương hiệu du lịch đặc trưng.