Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Góp phần hoàn thiện chính sách về người cao tuổi

Khánh Thi - 11:38, 09/09/2024

Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 tiến hành thu thập số liệu về số người già cô đơn không nơi nương tựa ở vùng DTTS và miền núi. Đây là dữ liệu cần thiết để triển khai có hiệu quả các chính sách trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, từ đó góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021.

Góp phần hoàn thiện chính sách về người cao tuổi
Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030 đặt rất nhiều mục tiêu; trong đó có mục tiêu đến năm 2030, 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội. (Trong ảnh: Cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi tại xã Phổng Lăng, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La - Ảnh: TTXVN)

Theo dữ liệu dân cư quốc gia, hiện nước ta có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, chiếm trên 16% dân số. Trong đó, khoảng 2,6 triệu người từ 80 tuổi (chiếm 15,9% số người cao tuổi), 9,05% triệu người cao tuổi là nữ (chiếm 57,7%), 10,3 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn (chiếm 64%); người cao tuổi là DTTS chiếm khoảng 10%.

Mặc dù tuổi cao nhưng trên 7 triệu người cao tuổi vẫn đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất; hơn 700.000 người cao tuổi còn đang tham gia công tác Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, thanh tra nhân dân, hoà giải cơ sở; trên 300.000 người cao tuổi tham gia các tổ an ninh nhân dân phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự ở cơ sở.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình. Kính trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi. Bảo trợ, giúp đỡ những người cao tuổi gặp khó khăn, cô đơn không nơi nương tựa…

Đặc biệt, ở vùng DTTS và miền núi, nhiều người cao tuổi là già làng, trưởng bản, Người có uy tín đã và đang là lực lượng không thể thiếu trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở. Họ là “hạt nhân” trong các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tư, bảo tồn văn hóa truyền thống ở địa phương.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội, người cao tuổi đã và đang được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội thiết thực. 

Những năm qua, nhiều chính sách ưu đãi dành cho người cao tuổi được triển khai, thực hiện nhằm thực hiện tốt công tác trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi trong gia đình và cộng đồng; từ đó, người cao tuổi tiếp tục phát huy tiềm năng, vai trò, uy tín của mình trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa,... ở cơ sở.

Tuy nhiên, chính sách cho người cao tuổi đang cần được hoàn thiện, bởi hiện vẫn còn một bộ phận lớn người cao tuổi, nhất là người già không nơi nương tựa, chưa được tiếp cận các chính sách hỗ trợ cần thiết. Một thống kê sơ bộ của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội) cho thấy, hiện cả nước mới có khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, chiếm 27,1% tổng số người cao tuổi.

Góp phần hoàn thiện chính sách về người cao tuổi 1
Ở vùng DTTS và miền núi, người cao tuổi là “hạt nhân” trong các phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền, cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tư, bảo tồn văn hóa truyền thống ở địa phương. (Trong ảnh: Ông Trần Quang Phấn, Người có uy tin thôn Làng Quang, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn thường xuyên tiếp cận thông tin để tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia các phong trào ở địa phương - Ảnh: Trọng Bảo)

Do vậy, cả nước vẫn còn khoảng 73% người cao tuổi không có lương hưu hay trợ cấp BHXH hằng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hằng ngày. Đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn, khu vực miền núi còn rất khó khăn, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già; nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Song đa số người cao tuổi không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa.

Đáng chú ý là, một bộ phận người già không nơi nương tựa người DTTS. Năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, tại 5.468 xã thuộc vùng DTTS có 7.712 người già cô đơn không nơi nương tựa. 

Đây là những người từ 60 tuổi trở lên đang cư trú trong các hộ nghèo và không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng.

Hầu hết người già cô đơn vùng DTTS hiện đang sống ở khu vực nông thôn, chiếm 91,8%. Địa phương có nhiều người già cô đơn không nơi nương tựa nhất là tỉnh Hòa Bình (513 người); tiếp theo là Hà Giang (496 người) và Gia Lai (489 người)...

Nhằm chăm lo và phát huy vai trò của người cao tuổi, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2156/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030. Chương trình hành động đặt rất nhiều mục tiêu; trong đó có mục tiêu đến năm 2030, 100% người cao tuổi nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội.

Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, được xem là cuộc tổng rà soát số lượng người già không nơi nương tựa là người DTTS. 

Góp phần hoàn thiện chính sách về người cao tuổi 2
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội, người cao tuổi đã và đang được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội thiết thực. (Ảnh minh họa)

Trong phiếu điều tra tại xã, các Điều tra viên sẽ thu thập thông tin về số người già cô đơn không nơi nương tựa của xã/phường/thị trấn tính đến ngày 01/7/2024.

Đây là câu hỏi thứ 3 trong bộ câu hỏi gồm 36 câu hỏi trong phiếu điều tra xã. Dữ liệu từ cuộc điều tra là căn cứ quan trọng để cơ quan chuyên môn tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyển ban hành chính sách phù hợp để thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi theo Quyết định số 2156/QĐ-TTg.

Trong Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030, một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2026 – 2030 là nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn theo hướng phổ cập theo độ tuổi, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội theo khả năng ngân sách, giá tiêu dùng và tương quan chính sách đối với các nhóm đối tượng khác.