Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Văn bản chính sách mới

Góp ý kiến vào dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030

PV - 19:25, 29/06/2021

Ngày 29/6, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đông đảo đại diện các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, trong khuôn khổ Hội nghị định hướng, góp ý dự thảo này.

Trình diễn hát trống quân ở Hưng Yên cho khách du lịch.
Trình diễn hát trống quân ở Hưng Yên cho khách du lịch.

Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến, với các điểm cầu đặt tại trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự tham dự và chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, và Hoàng Đạo Cương.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội nghị nhằm hướng đến mục tiêu khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Hội nghị sẽ là cầu nối thông tin, trao đổi thảo luận giữa cơ quan quản lý nhà nước với độc giả trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chiến lược văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm tính thực tiễn, khả thi; xây dựng sự đồng thuận xã hội như một nguồn lực để thực hiện thành công chính sách.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã xin ý kiến các đơn vị, địa phương, đến nay hơn 50% tỉnh, thành phố ký công văn góp ý xây dựng Chiến lược. Bộ đang tiếp cận những ý kiến hợp lý nhất để hoàn thiện lại Chiến lược.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các địa phương, ban bộ ngành trên tinh thần hình thành tổng thể văn hóa từ Trung ương đến địa phương, mong các giám đốc Sở triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về lĩnh vực văn hóa sẽ tiếp nối và liên thông Chiến lược này với các nhiệm vụ ở địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện các địa phương, các Hiệp hội đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự thảo. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, cần phải đầu tư cho văn hóa tương xứng với những giá trị mà nó đem lại, chứ không nên chỉ nhìn vào giá trị kinh tế, lợi nhuận. Giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di sản, khai thác đúng hướng và nâng di sản lên thành tài sản, đem lại lợi nhuận từ du lịch thông qua các di sản đó…, cũng là những mục tiêu mà nhiều địa phương hướng tới và mong muốn dự thảo sẽ đề cập đến.

Một số địa phương cũng định hướng đưa sản phẩm văn hóa của mình trở thành những đặc trưng tiêu biểu của địa phương mình, như Hà Nội, Thừa Thiên Huế… Có cơ chế khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư vào văn hóa, thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn từ các đơn vị tư nhân...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, những ý kiến, nhóm ý kiến tại Hội nghị sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo Chiến lược, trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành./.

Tin cùng chuyên mục
Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP: Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Ngày 18/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Trong đó, vớí những quy định mới về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), Nghị định số 91/2024/NĐ-CP được kỳ vọng sẽ khai thác thêm những giá trị mới của rừng.