Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

“Cô gái Sán Dìu” và hành trình gắn bó với tiếng Ả Rập

Văn Hoa - 08:45, 09/02/2021

“13 năm gắn bó với tiếng Ả Rập và theo đuổi chuyên ngành được coi là khác lạ so với giới trẻ, tôi đã có cơ hội đặt chân tới hơn 20 quốc gia trên thế giới, học hỏi được rất nhiều điều mới mẻ. Đây cũng là cơ hội để tôi đưa bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu nói riêng đến gần hơn với bạn bè thế giới”. Đó là những chia sẻ của cô Phạm Thị Thùy Vân, 31 tuổi, dân tộc Sán Dìu, tỉnh Thái Nguyên, Phó Trưởng Khoa Nhà nước và Văn hóa Ả Rập, Trường Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại sứ UAE tại Việt Nam trao quà cho Phạm Thị Thùy Vân nhân Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng Ả Rập 18/12.
Đại sứ UAE tại Việt Nam trao quà cho Phạm Thị Thùy Vân nhân Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế tiếng Ả Rập 18/12.

Mở rộng tầm nhìn

Thùy Vân may mắn là sinh viên khóa 3 chuyên ngành tiếng Ả Rập của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, bởi 4 năm nhà trường mới tổ chức một khóa đào tạo tiếng Ả Rập. Khi biết Thùy Vân chọn học tiếng Ả Rập, bạn bè và người quen đều ngạc nhiên vì đây là một ngành học còn ít người quan tâm đến.

Với thành tích học tập khá, năm 2009, Thùy Vân nhận được học bổng của Chính phủ đi du học một năm tại Ai Cập. Tại đây, Thùy Vân đã có những trải nghiệm tuyệt vời ở đất nước đầy màu sắc văn hóa và lịch sử này. Năm 2011, Thùy Vân tốt nghiệp Đại học và được giữ lại Trường Đại học Ngoại ngữ làm giảng viên tại Trường cho tới nay.

Với đặc thù công việc, Thùy Vân thường xuyên được đi công tác, giao lưu và học tập tại nước ngoài. Cho tới nay, Thùy Vân đã đặt chân tới khoảng 20 quốc gia trên thế giới với nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Thùy Vân hào hứng kể: “Một trong những điểm tôi yêu thích nhất là sự hiếu khách. Những ngày tháng tôi đi thực tế tại Oman, nơi tôi ở là một khu vực khá hẻo lánh và xa trung tâm thành phố. Mỗi lần tôi muốn đi đâu hoặc muốn đến chợ, thay vì gọi taxi, tôi chỉ việc đứng bên đường vẫy tay và xin đi nhờ. Ngay lập tức, người dân ở đó sẽ dừng lại cho tôi đi nhờ đến nơi tôi cần đến, thậm chí là chờ để đón tôi về nếu họ có thời gian. Có lần, trước khi đưa tôi về chỗ ở, họ còn mời tôi đến nhà uống trà và dùng bữa tối với gia đình họ”.

Theo chia sẻ của Vân, trái với hình dung của mọi người về một khu vực bạo loạn và khủng bố, các quốc gia Ả Rập phần lớn đều rất phát triển và có an ninh tuyệt đối cao. Họ tôn trọng, bảo vệ trẻ em và phụ nữ, nhất là ở những nơi công cộng. Đặc biệt, họ quan tâm đầu tư cho thế hệ trẻ và có cách gìn giữ bản sắc văn hóa khá đặc biệt.

Khai thác dầu mỏ là ngành kinh tế chủ yếu, nên các quốc gia Ả Rập cho rằng, trong tương lai nguồn tài nguyên sẽ bị cạn kiệt, do đó họ quan tâm, chú trọng đặc biệt cho thế hệ trẻ vì đây chính là nguồn lực phát triển đất nước. Học sinh được thừa hưởng miễn phí nền giáo dục - y tế hiện đại. Đặc biệt, ngay từ nhỏ, học sinh đã được rèn luyện tư duy phản biện (nêu ra 1 vấn đề, học sinh có quyền được lập luận đồng ý hay không đồng ý bằng chính kiến của mình).

Người Ả Rập luôn cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trước sự bùng nổ và du nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây. Họ giáo dục trẻ em từ nhỏ học thuộc kinh Koran và bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, dù kinh tế, khoa học - kỹ thuật rất phát triển, nhưng cả đàn ông lẫn phụ nữ ở các quốc gia Ả Rập đều mặc trang phục truyền thống hằng ngày cũng như những dịp quan trọng thay vì trang phục phương Tây

Phạm Thị Thùy Vân trong trang phục dân tộc Sán Dìu truyền thống.
Phạm Thị Thùy Vân trong trang phục dân tộc Sán Dìu truyền thống.

Đưa văn hóa Sán Dìu ra thế giới

Không chỉ được khám phá, tìm hiểu bản sắc văn hóa, thiên nhiên con người vùng đất Ả Rập, Thùy Vân còn có cơ hội đưa bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu nói riêng, bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung ra thế giới.

“Cô gái Sán Dìu” là biệt danh mà các đại diện UNESCO ở Việt Nam và các bạn bè quốc tế thường gọi Thùy Vân. Trong các sự kiện, khi giới thiệu về trang phục các dân tộc ở Việt Nam, Thùy Vân tự hào chia sẻ mình là một trong những DTTS và quảng bá các hình ảnh của dân tộc mình. Và chính biệt danh ấy, Thùy Vân đã đại diện cho văn hóa, sức trẻ Việt Nam ra thế giới trong nhiều sự kiện, tuần lễ văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Mới đây, Thùy Vân vinh dự là thuyết minh viên trong tuần lễ giới thiệu Văn hoá Việt Nam ở Ả Rập Xê Út; tham dự Đại hội đồng thể thao quân sự quốc tế lần thứ 74 năm 2019, tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh...

Ngoài công việc là một giảng viên tiếng Ả Rập, Thùy Vân còn hoạt động như một phiên dịch viên chuyên nghiệp, chuyên dịch cho các phái đoàn, dịch hội nghị và các sự kiện trong nước và quốc tế. Sự thành công của mỗi sự kiện là công sức đóng góp có hiệu quả của Thùy Vân, đó cũng là niềm vui trong mọi công việc của cô.

Thùy Vân bảo rằng, cô luôn tự hào mình là người dân tộc Sán Dìu. Thùy Vân sẽ cố gắng hơn nữa để đạt được những thành công trong cuộc sống cũng như sự nghiệp, đóng góp cho sự phát triển quê hương, đất nước.

“Chưa khi nào, cả thế giới chỉ nằm nhỏ gọn trong chiếc điện thoại trên bàn tay bạn. Vì thế hãy chủ động học tập, chủ động tìm tòi, học hỏi và phát triển bản thân. Hãy tìm ra lĩnh vực mình yêu thích, tìm hiểu và kiên trì theo đuổi. Bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn mỗi ngày trên con đường tiến tới ước mơ”, Thùy Vân nhắn gửi tới các bạn trẻ Việt Nam nói chung, bạn trẻ người DTTS nói riêng trên con đường lập thân, lập nghiệp thời hội nhập. /.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.