Trong những năm qua, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đầu tư, hỗ trợ phát triển bằng nhiều chương trình, chính sách, dự án của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành Trung ương cũng như của tỉnh, đời sống đồng bào được cải thiện với nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, trong đời sống của đồng bào các DTTS tỉnh còn tồn tại một số tập quán lạc hậu, nhất là trong hôn nhân, tang ma, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt gia đình và trong sản xuất. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống cộng đồng, cản trở sự phát triển KT-XH, suy giảm chất lượng nòi giống, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, môi trường sinh thái, an ninh trật tự, dẫn tới nghèo đói.
Nguyên nhân do chủ yếu là do các quy định của quy ước, hương ước thôn bản; còn những trường hợp người dân thực hành hủ tục vi phạm quy định của quy ước, hương ước thôn bị xử phạt với mức phạt thấp, nên không đủ mạnh để giáo dục, răn đe. Cùng với đó, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào trong việc cải tạo, bài trừ các tập tục lạc hậu; một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu nên còn để xảy ra vi phạm nhưng chưa được xử lý kịp thời…
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu đồng bào DTTS, như: Nâng cao công tác tuyên truyền về việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc; cần tập hợp các nghệ nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng; vai trò của giáo dục trong cải tạo hủ tục; giải quyết các vấn đề cải tạo, bài trừ hủ tục nhìn từ góc độ pháp lý, luật tục và góc độ văn hóa; phát huy vai trò của hội nghệ nhân dân gian trong bài trừ hủ tục của đồng bào DTTS các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần...
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ nhiệm đề tài ghi nhận và tiếp thu các ý kiến tham gia đóng góp vào đề tài. Các ý kiến của đại biểu sẽ là tiền đề để Ban Chủ nhiệm hoàn thiện đề tài trong thời gian tới.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh: Văn hóa là một nguồn nội lực quan trọng, việc khai thác các giá trị văn hóa dân tộc phục vụ phát triển KT-XH là xu thế chung của nhiều địa phương. Do đó, cần thiết phải gọt giũa, “gạn đục, khơi trong” các phong tục tập quán truyền thống, loại trừ những cái lỗi thời, bảo tồn phát huy những yếu tố tốt đẹp, bổ sung điểm mới, tiến bộ của thời đại, nhằm xây dựng một nền văn hóa các DTTS tỉnh giàu bản sắc, với những sản phẩm văn hóa đa dạng, phục vụ cho việc khai thác phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho nhân dân.
Phó Bí thư Tỉnh ủy mong muốn: Để cải tạo, bài trừ các tập quán lạc hậu trong các DTTS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt cần tiếp tục có các giải pháp can thiệp, thiết chế, chế tài để xử lý hành vi thực hành hủ tục hiệu quả hơn, nhất là với những vi phạm chưa có quy định của pháp luật để điều chỉnh, góp phần duy trì sự ổn định tư tưởng, tinh thần của đồng bào, củng cố niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước.
Cùng với đó, cần xác định rõ việc cải tạo, bài trừ hủ tục là việc làm của toàn dân; quá trình thực hiện cần linh hoạt, không chủ quan, máy móc. Xây dựng đời sống văn hóa, văn minh cần thực hiện đúng theo quy ước, hương ước của thôn bản; đây là nhiệm vụ của các cấp có trách nhiệm tham gia trong việc bài trừ hủ tục; nêu cao vai trò của Hội Nghệ nhân dân gian. Tiến hành bài trừ hủ tục cần phải có lộ trình cụ thể. Đồng thời kịp thời tuyên dương khen thưởng những mô hình, gương điển hình có trách nhiệm, thực hiện tốt…/.