Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Hà Giang: Nhiều phụ nữ DTTS không còn tâm lý e ngại khi đến cơ sở y tế

Minh Nhật - 10:27, 10/10/2024

Trong nhiều năm qua, Hội LHPN các cấp tỉnh Hà Giang không ngừng nỗ lực vận động, tuyên truyền, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ; từng bước tiến đến mục tiêu năm 2025, Việt Nam có trên 80% phụ nữ DTTS có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế.

Tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS chăm sóc sức khỏe thai kỳ
Tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS chăm sóc sức khỏe thai kỳ

Thống kê trong năm 2023-2024, tỷ lệ phụ nữ tại tỉnh Hà Giang đến cơ sở y tế khám thai và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vẫn ở mức thấp. Theo đó, số lượt phụ nữ được khám thai tại cơ sở y tế là gần 69.900, trong đó số phụ nữ DTTS khám thai 3 kỳ là hơn 9.800; số phụ nữ sinh đẻ tại các cơ sở y tế là gần 18.900, số phụ nữ sinh đẻ tại nhà ở mức cao, trên 3.450 ca.

Theo bà Hầu Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, do địa hình miền núi chia cắt, hiểm trở, dân cư sống không tập trung, xa cơ sở y tế đã gây khó khăn cho việc di chuyển, đi lại của phụ nữ trong quá trình khám thai. Không chỉ vậy, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế cũng là rào cản lớn khiến nhiều phụ nữ DTTS không đi khám thai đầy đủ. Đặc biệt, có nhiều nơi vẫn còn tình trạng tảo hôn, sinh con ở tuổi vị thành niên dẫn đến những thai phụ này né tránh, ngại đến khám thai tại cơ sở y tế.

Từ thực tế đó, Huyện hội đã chỉ đạo cho Hội LHPN các xã trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi hội, câu lạc bộ, hội thi tìm hiểu, truyền thông tại cộng đồng, trường học, tuyên truyền thông qua hệ thống loa phát thanh ở cơ sở, tuyên truyền trên nhóm Facebook, Zalo của Hội...

Mỗi tháng một lần, các xã sẽ tổ chức khám định kỳ cho toàn thể chị em phụ nữ đang mang thai ở địa bàn mình. Trước ngày khám, cán bộ phụ nữ ở xã sẽ cùng chị em Chi hội trưởng phụ nữ thôn thông báo đến từng chị em, nếu chị em nào chưa quan tâm, chú ý đến việc này, cán bộ phụ nữ sẽ đến tận nhà tuyên truyền, vận động cả người thân trong gia đình thai phụ, thậm chí sẽ là người chở thai phụ đi khám", bà Phương cho hay.

Chị em phụ nữ xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, khám thai định kỳ tại trạm y tế xã
Chị em phụ nữ xã Nậm Ban, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, khám thai định kỳ tại trạm y tế xã

"Đứa con đầu mình không đi khám bác sĩ nên không biết, mấy ngày thấy con không cựa quậy trong bụng nữa mới đi xuống bệnh viện huyện kiểm tra. Bác sĩ nói thai chết lưu do cạn ối. Muộn một tí nữa là mẹ cũng nguy hiểm tính mạng. Đến giờ vẫn còn sợ”, chị Sùng Thị Kia, 25 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, chia sẻ.

Dù đã 5 năm trôi qua nhưng câu chuyện đó vẫn để lại nỗi buồn sâu thẳm trong trái tim người mẹ trẻ. 2 năm sau đó chị Kia có thai đứa con tiếp theo, nhờ được cán bộ Hội Phụ nữ cùng nhân viên y tế xã đến vận động, tuyên truyền, chị đã đi khám thai đầy đủ cũng như tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong suốt thai kỳ.

"Chồng mình đi làm xa không có nhà, nên mấy lần đi khám thai đều nhờ Chi hội trưởng phụ nữ thôn chở ra. Đi khám còn được bác sĩ phát cho mấy lọ thuốc sắt, vitamin về uống trong lúc đang mang thai. Con thứ 2 sinh ra khỏe mạnh, mình vui lắm", chị Kia tâm sự.

Cán bộ Hội LHPN xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản và khám thai định kỳ cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã
Cán bộ Hội LHPN xã Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản và khám thai định kỳ cho chị em phụ nữ trên địa bàn xã

Khám thai định kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi

Theo bác sĩ Trần Thị Hải Hà, Khoa Phụ Sản, Bệnh viện E (Hà Nội), phụ nữ cần hiểu tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe của mẹ và thai nhi. Khi mang thai, người phụ nữ cần chuẩn bị các kiến thức về chế độ ăn uống, dinh dưỡng, quá trình đi khám thai như thế nào.

"Việc đầu tiên không được bỏ qua là đi khám thai định kỳ. Việc khám thai định kỳ này sẽ chia làm 3 mốc, 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Trong 3 tháng đầu tối thiểu là 3 lần khám. Lần khám thứ nhất là sau khi chị em thấy mình không có kinh từ 2-3 tuần, sẽ phải đi siêu âm để xác định xem chị em có thực sự đang mang thai hay không, thai có nằm đúng vị trí hay không, đề phòng chửa ngoài tử cung. Lần 2 là khám thai ở tuần 7-8 để xem sự phát triển thai nhi có phát triển bình thường không, có tim thai chưa. Lần thứ 3 trong 3 tháng đầu là khám từ tuần thứ 11 đến hết tuần 13, trọng tâm là sàng lọc được một số dị tật bẩm sinh trong thời gian đầu", bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Cũng theo bác sĩ Trần Thị Hải Hà, khám thai ở 3 tháng giữa vào khoảng tuần 18 – 20 và tuần thứ 20-26 để tiếp tục theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi về cân nặng, về chiều cao, kích thước của thai nhi có tương xứng với số tuần tuổi của thai nhi hay không. Ngoài ra mình cũng có thể khám một số bất thường khác. Siêu âm ở 3 tháng cuối khá là quan trọng bởi chuẩn bị cho người phụ nữ sắp sinh con. Phụ nữ nên đi khám để xem ngôi của thai nhi như thế nào, chẩn đoán một số bệnh lý liên quan để đưa ra một hướng đẻ thuận lợi, sinh thường hoặc sinh mổ.

Bác sĩ Hà đặc biệt lưu ý, phụ nữ mang thai cần phải đến cơ sở y tế thăm khám ngay khi thấy bất kỳ những dấu hiệu bất thường nào: "Thứ nhất là đau bụng, thứ hai là ra máu, ra dịch bất thường, cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, huyết áp tăng cao. Tại vì ở đây, ra máu, đau bụng có thể dự báo cho mình 1 tình huống là dọa sảy thai hoặc dọa đẻ non, hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu không điều trị sớm có thể gây khả năng là thai lưu, thai chết lưu. Nặng hơn nữa có thể gây tử vong cho cả người mẹ nữa, nếu không được đến khám kịp thời. Ngoài ra, tăng huyết áp cũng nên khám, bởi nếu không được khám và điều trị sớm, có thể dẫn đến tình cảnh người mẹ gặp bệnh lý tiền sản giật, rất nguy hiểm vì có khả năng gây tử vong cho cả mẹ và con rất cao và rất khó điều trị".

Ngoài ra, khi mang thai, lưu ý hàng đầu là đảm bảo sự an toàn cho người mẹ cả về tinh thần và thể chất. Về mặt thể chất thì cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho các chị em phụ nữ. Ví dụ như chế độ ăn, không được để người mẹ thiếu các dưỡng chất, đặc biệt là bổ sung sắt, axit folic, bổ sung canxi, magie, vitamin, không được để người mẹ thiếu năng lượng. Đối với chị em phụ nữ DTTS điều kiện kinh tế khó khăn thì có thể tận dụng nguồn thực phẩm xung quanh mình như trứng gà, các loại rau, củ quả theo mùa. 


Tin cùng chuyên mục
Nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các cơ quan báo chí

Nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho các cơ quan báo chí

Ngày 17/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2024.