Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Kon Tum: Tăng cường công tác tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính cho thanh niên người DTTS trước khi kết hôn

Ngọc Chí - 08:58, 29/08/2024

Với nhiều giải pháp sáng tạo và đa dạng các hình thức tiếp cận, thời gian qua các cấp, ngành tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe giới tính cho trẻ vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS) trước khi kết hôn. Qua đó nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giới tính và góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS.

Cán bộ Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum xuống từng thôn, làng tuyên truyền, vận động và nắm bắt thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống
Cán bộ Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum xuống từng thôn, làng tuyên truyền, vận động và nắm bắt thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Sau khi thôn trưởng đánh một hồi kẻng, đồng bào Xơ Đăng ở thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung đông đủ ở nhà Rông của thôn để nghe cán bộ Chi cục Dân số tỉnh về tuyên truyền các nội dung về dân số, kế hoạch hóa gia đình và tư vấn sức khỏe cho vị thành niên/thanh niên nhằm hạn chế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên và tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Chị Đinh Thị Hiền - Cán bộ tuyên truyền, Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum chia sẻ: Khi tuyên tuyền cho bà con DTTS thì chúng tôi tuyên truyền trực quan, dẫn chứng với thực tế để giúp bà con dễ hiểu và nắm rõ về Luật Hôn nhân và Gia đình, các chính sách về dân số và tư vấn cho các em vị thành niên/thanh niên hiểu rõ về tác hại của tảo hôn. Hiện nay, chúng tôi về từng thôn, làng để tuyên truyền cho bà con.

Cán bộ Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum tuyên truyền, vận động người dân ở thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông
Cán bộ Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum tuyên truyền, vận động người dân ở thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông

Bà Y Dung (dân tộc Xơ Đăng) – thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Qua buổi tuyên truyền này, chúng tôi hiểu rõ các nội dung về dân số, kế hoạch hóa gia đình, nhất là tác hại của tảo hôn. Vì thế, tôi sẽ luôn quan tâm đến 4 đứa con, tuyên truyền cho các con phải chăm lo học hành đến nơi đến chốn. Chỉ được kết hôn khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật và nếu có vấn đề gì chưa hiểu thì lên Trạm Y tế xã sẽ được cán bộ y tế tư vấn về sức khỏe tiền hôn nhân.

Với mục tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ ba và tư vấn sức khỏe cho vị thành niên/thanh niên, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, hiện toàn tỉnh Kon Tum đã thành lập được 56 Câu lạc bộ không sinh con thứ ba, 13 Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên và 30 Điểm dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.

Chị Phạm Thị Nhàn – Cán bộ dân số, Phòng khám Đa khoa khu vực Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Đối với cán bộ dân số chúng tôi không chỉ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân tại phòng khám mà còn thường xuyên xuống từng thôn, từng nhà tuyên truyền, vận động để giúp phụ huynh và các em hiểu rõ về tầm quan trọng của việc được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Bởi qua những buổi tư vấn và khám sức khỏe đó chúng tôi nắm rõ được các em đã đủ tuổi để kết hôn chưa, từ đó tư vấn để các em hiểu và chỉ được kết hôn khi đủ tuổi theo quy định của pháp luật.

Điểm dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Trạm Y tế xã
Điểm dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân tại Trạm Y tế xã

Bên cạnh đó, tại các Điểm dịch vụ tư vấn sức khỏe, định kỳ vào thứ 5 hằng tuần có cán bộ dân số trực tiếp để tư vấn, cung cấp thông tin giải đáp các thắc mắc liên quan đến các vấn đề về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho vị thành niên/thanh niên và nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Đồng thời, Trạm Y tế cử cán bộ phối hợp với Ban Giám hiệu các trường Trung học cơ sở, cán bộ chuyên trách xã tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề cho đối tượng là học sinh khối lớp 8, lớp 9 với nội dung: Tâm sinh lý tuổi dậy thì, tình bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình...

Chị Y Phiếu (dân tộc Xơ Đăng) – thôn Đăk Plò, xã Đăk Rơ Ông, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Trước đây, em cũng được cán bộ Y tế xã tuyên truyền, tư vấn sức khỏe nên em nhận thức rằng việc kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và chính cuộc sống gia đình. Vì vậy, em luôn nhận thức là chỉ kết hôn khi đủ tuổi và đến năm 22 tuổi em mới kết hôn.

Từng bước thay đổi nhận thức về tảo hôn

Thông qua mô hình các Câu lạc bộ và Điểm dịch vụ tư vấn sức khỏe đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn tiếp cận một cách thuận lợi nhất các dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các nhóm đối tượng là vị thành niên, thanh niên có nhận thức đúng đắn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình để biết tự bảo vệ, chăm sóc bản thân, được kiểm tra sức khỏe... góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đối với việc chăm sóc sức khỏe bản thân, đặc biệt là hạn chế được tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum cấp phát tờ rơi tuyên truyền về công tác kế hoạch hóa gia đình cho vùng đồng bào DTTS
Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum cấp phát tờ rơi tuyên truyền về công tác kế hoạch hóa gia đình cho vùng đồng bào DTTS

Chị Y Thêm (dân tộc Gié Triêng) – Thôn Đăk Ung, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei chia sẻ: Qua các buổi truyền thông, tôi học được nhiều kiến thức, nhất là phụ nữ phải thường xuyên đi khám sức khỏe sinh sản, sinh ít con; quan tâm đến việc chăm sóc các con để các con phát triển toàn diện và nhất là không được cho các con tảo hôn.

Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố, tính từ ngày 01/01/2024 đến 31/6/2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum tổng số cặp kết hôn kể cả sống chung với nhau như vợ chồng là 1.872 cặp. Trong đó, đủ tuổi 1.825 cặp; có 28 trường hợp tảo hôn vợ hoặc chồng chiếm 1,5%, giảm 54 trường hợp so với năm 2023; có 19 cặp tảo hôn cả vợ cả chồng, chiếm 1%, giảm 7 cặp so với năm 2023; có 119 trường hợp số phụ nữ DTTS sinh con dưới 18 tuổi, giảm 68 trường hợp so với năm 2023; không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.

Ông A Nhập – Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei cho biết: Thông qua các mô hình tuyên truyền, vận động, đồng bào DTTS trên địa bàn xã cơ bản nắm rõ về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nên quan tâm nhiều hơn đến con em mình. Hiện nay trên địa bàn xã không còn xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn thì đã giảm dần qua từng năm.

Cán bộ Chi cục Dân số phối hợp với các Trạm Y tế xã tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sinh đông con và không để con em tảo hôn
Cán bộ Chi cục Dân số phối hợp với các Trạm Y tế xã tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sinh đông con và không để con em tảo hôn

Thực tế cho thấy, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại nhiều hệ lụy đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực, dân số, giáo dục, chăm sóc trẻ em và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả các Câu lạc bộ, Điểm dịch vụ tư vấn sức khỏe, Mô hình điểm can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại địa phương, nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cả cộng đồng.

Ông Từ Hữu Phước – Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Kon Tum cho biết: Trong thời gian tới, Chi cục Dân số tiếp tục đẩy mạnh, da dạng phương thức, hình thức tuyên truyền trong việc thực hiện chính sách dân số. Tuyên truyền mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con, bảo đảm quyền, trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt; vận động, giáo dục và tư vấn về dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tập trung giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại, hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để nâng cao nhận thức của người dân; đưa nội dung tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của các Trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông để nhằm nâng cao nhận thức của các cháu học sinh.