Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hà Giang: Tập trung mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững

Thu Trang - Ngọc Lê - 10:31, 27/12/2022

Công tác giảm nghèo là luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu và thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Hà Giang tập trung triển khai thực hiện. Theo đó, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả bền vững, nhiều năm qua tỉnh Hà Giang đã ưu tiên lồng ghép các chương trình, đề án và huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững cho người dân.

Hà Giang có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn khách du lịch
Hà Giang có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn khách du lịch

Thực hiện nhiều giải pháp về sinh kế

Thực hiện chủ trương, chính sách giảm nghèo của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã lồng ghép huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng vùng khó khăn; đầu tư hỗ trợ khoa học kỹ thuật, giống, vốn giúp người dân phát triển sản xuất. UBND tỉnh Hà Giang đã phân công các cơ quan, đơn vị giúp đỡ các xã nghèo mang lại hiệu quả thiết thực.

 Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt, đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hướng dẫn cách làm ăn; hỗ trợ sinh kế, trợ giúp pháp lý, bảo trợ xã hội. Tổ chức tốt các hoạt động truyền thông, thông tin về giảm nghèo nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”...

Điển hình, Đề án Cải tạo vườn tạp và phát triển bền vững cây cam sành được các cấp, các ngành và Nhân dân quan tâm thực hiện, dần chứng minh được hiệu quả trong cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong năm, đã cải tạo 2.325 vườn; hiện có 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm (cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp).

Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho cựu chiến binh nghèo, gia đình chính sách, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, đã triển khai xây dựng với 6.684 nhà, tổng kinh phí hỗ trợ 400.334 triệu đồng và 341.766 ngày công, vượt xa mục tiêu ban đầu, qua đó giải quyết việc làm cho 34.248 lao động, đạt 199,1% kế hoạch (tăng 101% so với năm 2021).

Hà Giang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn (Trong ảnh: Một điểm check in con hẻm Tu Sản nhìn từ trên cao. Con hẻm này thuộc dòng sông Nho Quế và nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang
Hà Giang xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn (Trong ảnh: Một điểm check in nằm dưới chân đèo Mã Pí Lèng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang)

Cùng với đó, thị trường lao động được kết nối, mở rộng, công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và kết nối cung, cầu lao động được đẩy mạnh, số lao động được giải quyết việc làm tăng 36,28% so với cùng kỳ năm 2021. Ước 6 tháng đầu năm, đã cho vay hỗ trợ tạo việc làm với số tiền 90 tỷ đồng, đạt 112,5% kế hoạch; toàn tỉnh giải quyết được việc làm cho trên 15.300 lao động, đạt 89,35% kế hoạch.

Về việc triển khai hỗ trợ nguồn vốn cho các hộ nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 13 chương trình tín dụng cho hộ nghèo và hộ chính sách. Trong 6 tháng đầu năm đã giải quyết cho 10.900 lượt khách hàng vay vốn, doanh số cho vay đạt 569,83 tỷ đồng về phát triển kinh tế gia đình và đi lao động. 

Thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, đã có 1.394 hộ nghèo và cận nghèo trên toàn tỉnh tham gia cải tạo vườn tạp, đạt 97,3% kế hoạch. Trong đó, có 1.006 hộ đã được hỗ trợ vốn vay để cải tạo vườn tạp, với tổng số tiền 29.804,7 triệu đồng, bước đầu góp phần tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo.

Phát triển du lịch được Đảng bộ tỉnh Hà Giang xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Hà Giang tập trung phát triển theo hướng bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường... 

Vốn là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, năm 2022 du lịch Hà Giang tiếp tục chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh với 2,2 triệu lượt du khách, tăng 142% so với năm 2021. Doanh thu du lịch đạt 4.306 tỷ đồng, tăng 165,8% so với năm 2021.

Đặc biệt, mới đây Hà Giang vinh dự có hai món ăn gồm: Thắng cố và Thịt lợn cắp nách được lọt Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam và hai đặc sản gồm Bánh tam giác mạch và Hồng không hạt Quản Bạ được chọn Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam năm 2021 - 2022 theo Bộ tiêu chí công bố giá trị ẩm thực, đặc sản Việt Nam. Khu du lịch sinh thái H’Mong Village thuộc xã Đồng Hà, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang được xác lập kỷ lục là khu nghỉ dưỡng, với các ngôi nhà hình Quẩy Tấu được xây dựng đầu tiên tại Việt Nam và được công nhận giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN.

Năm 2022 du lịch Hà Giang tiếp tục chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh với 2,2 triệu lượt du khách, tăng 142% so với năm 2021
Năm 2022 du lịch Hà Giang tiếp tục chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng mạnh với 2,2 triệu lượt du khách, tăng 142% so với năm 2021

 Lồng ghép nguồn lực từ Chương trình MTQG

Nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo trong những năm tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đề ra tại Nghị quyết số 25-NQ/TU, về lãnh đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Hà Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng DTTS bình quân đạt 8%/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS đạt 55 triệu đồng trở lên. Phấn đấu giảm 29 /127 xã thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 4%/năm trở lên, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Để thực hiện có hiệu quả và phấn đấu đạt được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh Hà Giang xác định, sẽ tập trung hỗ trợ Nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển nông, lâm nghiệp bền vững từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững; giúp người dân, nhất là người nghèo, người mới thoát nghèo cải thiện năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu thập, theo hướng chú trọng các sản phẩm đặc hữu gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân; Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (chè, cam, bò, mật ong...), vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là một số cây trồng có giá trị cao trong xuất khẩu phù hợp với thổ nhưỡng. Tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, khoa học công nghệ vào phát triển 5 cây (cây ăn quả ôn đới, chè shan tuyết, dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao, tam giác mạch) và 3 con (bò vàng, lợn đen, mật ong bạc hà).

Tập trung xây dựng và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, với những sản phẩm du lịch mang tính đặc hữu, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và các di sản văn hoá cấp quốc gia.

 Tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia vay và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi, gắn với hướng dẫn phương thức sản xuất, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất… để giúp các hộ nghèo có nguồn lực thoát nghèo bền vững.

Hiện nay, UBND tỉnh Hà Giang đang chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó tiếp tục lồng ghép huy động các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH vùng khó khăn, thu hút đầu tư, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân...

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Vị trí đất được cấp ở xa, địa hình giao đất giao rừng đi lại khó khăn, sai lệch diện tích giữa hồ sơ và thực địa, nhu cầu người dân lớn nhưng quỹ đất ít… là những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng lớn đến việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Nghệ An.