Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hà Giang được giao 7 nghìn 570 tỷ 186 triệu đồng. Theo đó, đến năm 2024, tổng vốn được giao là 3 nghìn 145 tỷ 515 triệu đồng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Giang, hết tháng 8/2024 tỉnh đã giải ngân vốn đầu tư phát triển 1 nghìn 827 tỷ 734 triệu đồng, đạt 47% kế hoạch; vốn sự nghiệp 1 nghìn 177 tỷ 741 triệu đồng, đạt 32% kế hoạch.
Tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố bám sát vào mục tiêu, nội dung Chương trình, tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần các dân tộc thiểu số gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp các dân tộc, xoá bỏ hủ tục lạc hậu, nâng cao dân trí, chăm lo xây dựng nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh, chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh trật tự.
Những kết quả đạt được từ triển khai hiệu quả các chương trình dự án, chính sách dân tộc và đặc biệt là từ 3 Chương trình MTQG: Xây dựng NTM; Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719, cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS giảm bình quân 5,99%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng trưởng khá và ổn định qua các năm, ước năm 2024 đạt 40,2 triệu đồng, tăng 34,9% so với năm 2020.
Tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hà Giang lần thứ IV, năm 2024 được tổ chức vào tháng 10 vừa qua, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu đến năm 2029, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hằng năm bình quân đạt 4%/năm. Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào DTTS giảm bình quân 5%/năm. Đảm bảo hộ nghèo, hộ cận nghèo là người DTTS được hưởng đầy đủ các chính sách về y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và đầu tư về kết cấu hạ tầng thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; Tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt 98,2%; Phấn đấu 100% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm thôn.
Từ nguồn lực của 3 Chương trình MTQG, tỉnh Hà Giang phấn đấu, đến năm 2030 lũy kế có 100 xã và 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt trên 75%; Số bác sĩ đạt 12 bác sĩ/vạn dân; Số giường bệnh duy trì đạt 45,7 giường/vạn dân; Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị đạt 100%, ở nông thôn trên 98%.
Ngoài nguồn lực của Trung ương và của tỉnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có những giải pháp phù hợp tiếp sức cho các hộ nghèo vùng DTTS và miền núi từng bước tự vươn lên để giảm nghèo bền vững.
Ông Trần Đức Nghĩa, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Tính riêng Chương trình MTQG 1719 được triển khai trên địa bàn 2.063 thôn, tổ dân phố của 192 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS của tỉnh Hà Giang. Qua triển khai thực hiện, đã tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung và đối với các xã khu vực III, Khu vực II, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS nói riêng.
"Các chính sách dân tộc được triển khai, đang là nguồn lực quan trọng để những địa bàn đặc biệt khó khăn giải quyết được những vấn đề khó khăn cấp thiết trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng; tạo động lực cho các hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng chính sách vươn lên phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống", ông Trần Đức Nghĩa nhấn mạnh.
Để Chương trình MTQG 1719 phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, ông Nghĩa đề nghị, các huyện phối hợp chặt chẽ với Ban Dân tộc để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình. Quan tâm rà soát các Dự án, Tiểu dự án thành phần, bảo đảm đầu tư, hỗ trợ đúng đối tượng theo quy định, phát huy được hiệu quả chính sách dân tộc một cách cao nhất.
Đối với những nội dung còn gặp khó khăn, vướng mắc, Ban Dân tộc tỉnh sẽ chủ động phối hợp tháo gỡ, từ đó, tối ưu hóa các giải pháp triển khai cụ thể từng Dự án, Tiểu dự án. Bên cạnh đó, Ban cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án tại cơ sở; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Qua đó góp phần khơi dậy ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân, nhất là đồng bào DTTS tại các huyện miền núi.
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng núi phía Bắc của Tổ quốc. Toàn tỉnh có 127 xã khu vực III, 2 xã khu vực II, 64 xã khu vực I, với 1.353/ 2.071 thôn bản là ĐBKK. Có 34 xã, thị trấn biên giới, 123 thôn, bản biên giới. Dân số toàn tỉnh là 912.960 người, với 800.052 người là đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 87,63%. Trong đó, dân tộc Mông chiếm 34,4%; kế đến là dân tộc Tày chiếm 22,5%; dân tộc Dao chiếm 14,8%; dân tộc Kinh chiếm 12,3%; dân tộc Nùng chiếm 9,5%, còn lại là các dân tộc khác.
Trên địa bàn có dân tộc còn gặp nhiều khó khăn gồm: Phù Lá, La Chí, Mông. Đặc biệt là 05 dân tộc còn có khó khăn đặc thù gồm: Pu Péo, Bố Y, Cờ Lao, Lô Lô, Pà Thẻn.