Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hà Giang: Hiệu quả từ thực hiện chính sách dân tộc ở Xín Mần

Vũ Mừng - 2 giờ trước

Cùng với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS và nâng cao đời sống Nhân dân.

 Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự chung sức của người dân, đến nay cơ sở hạ tầng, giao thông trên địa bàn thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần được đầu tư tương đối đồng bộ, bộ mặt đô thị khang trang khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.
Nhờ có sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự chung sức của người dân, đến nay cơ sở hạ tầng, giao thông trên địa bàn thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần được đầu tư tương đối đồng bộ, bộ mặt đô thị khang trang khởi sắc, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao.

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Giang 150 km, Xín Mần là huyện vùng cao, biên giới phía Tây tỉnh Hà Giang. Đây là địa bàn sinh sống của hơn 7 vạn người thuộc cộng đồng 16 dân tộc, trong đó đồng bào các DTTS chiếm trên 95%. Toàn huyện có 17 xã và 01 thị trấn, với 187 thôn bản, tổ dân phố, trong đó 15 xã, thị trấn thuộc vùng III và 03 xã đạt nông thôn mới thuộc vùng I.

Hằng năm, trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội, huyện Xín Mần đã lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình MTQG như: Xây dựng nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững; Chương trình MTQG 1719, trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội… vùng đồng bào DTTS nhất là các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới.

Chỉ tính riêng Chương trình MTQG 1719, trong giai đoạn 2021-2024 huyện Xín Mần được phân bổ 530.294 triệu đồng, thực hiện nội dung các dự án, tiểu dự án. Từ nguồn lực đó, địa phương đã hỗ trợ 84 nhà ở cho hộ nghèo; đầu tư 05 công nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.252 hộ gia đình; hỗ trợ khoán bảo vệ đối với 18.004 ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ 73 cơ sở thực hiện 16 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; 107 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng tại các xã, thị trấn và tổ chức các hoạt động truyền thông thu hút đầu tư, hội chợ, triển khai thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Bên cạnh đó, trong những năm qua đã có 82 công trình hạ tầng thiết yếu được sửa chữa và đầu tư mới nhằm phục vụ sản xuất, đời sống Nhân dân; 11 trường phổ thông dân tộc bán trú được nâng cấp, sửa chữa các phòng học, phòng ở nội trú và các công trình phụ trợ; tổ chức 60 lớp xóa mù chữ; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị cho 36 trường học; mở 32 lớp đào tạo nghề cho 1.120 lao động nông thôn; hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền việc làm bền vững, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình.

Đầu tư 04 công trình phát triển điểm đến du lịch; hỗ trợ hoạt động cho 02 đội văn nghệ truyền thống phục vụ du lịch; đầu tư xây dựng Trung tâm y tế huyện và tổ chức các chương trình truyền thông về sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em; xây dựng và nhân rộng mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và Người có uy tín trong cộng đồng. 

Tổ chức Hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông vận động tư vấn pháp luật về hôn nhân dân số và gia đình cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; cấp pano tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS cho các trường học UBND các xã, thị trấn.

Ông Trần Xuân Tĩnh – Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xín Mần
Ông Trần Xuân Tĩnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xín Mần chia sẻ về hiệu quả từ thực hiện chính sách dân tộc trong vùng đồng bào DTTS

Cùng với các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế, an sinh xã hội; công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào các dân tộc được huyện đặc biệt quan tâm. Bằng nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích đồng bào giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp như: Phục dựng các lễ hội truyền thống; đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, nhà văn hóa; hỗ trợ hoạt động đội văn nghệ thôn bản…

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trần Xuân Tĩnh,Trưởng Phòng Dân tộc huyện Xín Mần chia sẻ: Những kết quả đạt được của huyện Xín Mần cũng chính là những kết quả thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc, đặc biệt thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719. Thông qua hoạt động tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách, đồng bào DTTS đã có nhận thức sâu sắc hơn về sự quan tâm của Đảng và Nhà nước;  tình cảm và niềm tin của đồng bào DTTS đối với cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng.

 "Đồng bào các DTTS đón nhận chủ trương, đường lối của Đảng, của Nhà nước bằng sự đồng thuận, từ đó cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, xã hội, tích cực chủ động hơn trong xây dựng cuộc sống và có nhiều đóng góp hơn cho cộng đồng".

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2021 đến tháng 6/2024,  trên 10.000 lao động của huyện Xín Mần đã được giải quyết việc làm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 57%. Tính đến tháng 12 năm 2023, thu nhập bình quân đầu được trên địa bàn huyện Xín Mần đạt 33 triệu đồng/người/năm (tăng 13 triệu đồng/người/năm so với năm 2020), tỉ lệ hộ nghèo giảm hàng năm đạt 6%.

Trong thời gian tới, huyện Xín Mần tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng đời sống kinh tế, nhu cầu đào tạo nghề, việc làm để có cơ sở hoạch định chính sách phù hợp, đảm bảo tính khả thi và sát với điều kiện thực tế. Đồng thời, huyện Xín Mần sẽ sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư hỗ trợ, từ các chương trình, dự án đối với vùng đồng bào DTTS; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, đánh giá hiệu quả các chương trình, dự án để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác dân tộc và chính sách dân tộc.