Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hà Giang triển khai chương trình OCOP: Cơ hội để phát triển sản phẩm lợi thế

PV - 09:59, 16/04/2019

Với ý nghĩa lớn nhất của Chương trình là tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, từng bước thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững... Kể từ khi triển khai đến nay, Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) đang tạo ra làn sóng rộng khắp trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, Hà Giang là địa phương có nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên, cảnh quan, đã và đang được Trung ương chọn là một trong những địa phương triển khai điểm Chương trình này.

Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ từ lâu đã được biết đến với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Tại đây, mô hình du lịch cộng đồng đã và đang được nhiều du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Đến mảnh đất này vào những ngày tháng 4, chúng tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Cùng với sự đa dạng văn hóa của đồng bào các dân tộc, đây là lợi thế để Nặm Đăm phát triển các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh.

Tại Nhà Văn hóa thôn Nặm Đăm, gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm của Hợp tác xã cộng đồng Nặm Đăm với nhiều sản phẩm như: cao mạnh gân, trà gừng, thuốc tắm, tinh dầu, thuốc đau răng, xoa bóp... Anh Lý Tà Dèn, Giám đốc HTX cộng đồng Nặm Đăm chia sẻ: “Đồng bào dân tộc Dao ở Nặm Đăm từ bao đời gìn giữ được nhiều cây thuốc quý với nghề thuốc gia truyền. Chính vì đặc trưng văn hóa đó, HTX chú trọng phát triển sản phẩm dược liệu”.

Gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm thế mạnh tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Gian hàng trưng bày và bán các sản phẩm thế mạnh tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Theo anh Dèn, khó khăn nhất trên con đường phát triển của HTX là xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, tuy nhiên HTX được chính quyền địa phương và đơn vị tư vấn Trung ương giúp đỡ, đặc biệt khi triển khai Chương trình OCOP, một số sản phẩm của HTX đã được chọn là sản phẩm lợi thế để Chương trình hỗ trợ. Điều này tạo thêm nhiều cơ hội để các sản phẩm của HTX ngày càng phát triển.

Theo báo cáo kết quả triển khai Chương trình OCOP của tỉnh Hà Giang cho thấy: Để thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị triển khai với các sở, ngành và các huyện, thành phố. Đã có ba huyện (gồm Quản Bạ, Xín Mần, Hoàng Su Phì) mời chuyên gia tư vấn cấp Trung ương triển khai. Đồng thời, tỉnh cũng cử đoàn tham gia Hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2018. Trong đó, Hà Giang có hai gian hàng tiêu chuẩn, giới thiệu 49 sản phẩm tiêu biểu của 6 HTS, thu hút hàng nghìn lượt khách thăm quan, mua sắm. Các sản phẩm tham gia Hội chợ được khách hàng đánh giá cao như: Mật ong bạc hà, dược liệu, trà Phìn Hồ, tinh bột nghệ, rượu thóc Nàng Đôn…

Năm 2018, Hà Giang đã triển khai mô hình thí điểm tại huyện Quản Bạ. Tổ tư vấn của tỉnh đã phối hợp với huyện lựa chọn sản phẩm, nhóm sản phẩm thế mạnh để nâng cấp, phát triển. Trên cơ sở kết quả đăng ký của 27 chủ thể tham gia với 37 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm là ý tưởng, 29 sản phẩm đã có. Qua đánh giá kết quả 29 sản phẩm theo Bộ tiêu chí tạm thời với 100 điểm cho thấy, các sản phẩm đạt chất lượng 5 sao còn ít, chủ yếu mới đạt từ 2-4 sao. Trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: người dân cũng như cán bộ còn thiếu kinh nghiệm trong tổ chức triển khai Chương trình; sản phẩm chưa qua chế biến, chất lượng còn thấp, chưa có tem, nhãn mác, xuất xứ, nguồn gốc; thiếu nguồn nhân lực có chất lượng; nguồn kinh phí địa phương còn hạn chế…

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, tỉnh có rất nhiều sản phẩm lợi thế, nhưng khó khăn hiện nay là tình trạng hàng hóa giả, kém chất lượng trà trộn đang làm mất đi thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Triển khai Chương trình OCOP sẽ tạo ra những bước đi vững chắc. Trước những khó khăn trong tổ chức triển khai Chương trình, tỉnh Hà Giang mong muốn Văn phòng Điều phối NTM Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh Hà Giang trong quá trình triển khai Chương trình OCOP để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh.

Ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Trung ương cho biết: tỉnh Hà Giang có nhiều tiềm năng về văn hóa, tài nguyên, cảnh quan để phát triển các sản phẩm thế mạnh, xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nguồn lực, con người để hỗ trợ tỉnh Hà Giang thực hiện.

Với Chương trình OCOP, ông Ngô Tất Thắng lưu ý tỉnh Hà Giang cần xác định sản phẩm quan trọng nhất là Làng Văn hóa du lịch. Quan tâm đến hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ truyền thông. Cần có quy hoạch kiến trúc đảm bảo tầm nhìn bảo tồn; khi lựa chọn kiến trúc thì lựa chọn hạ tầng để đầu tư. Tập trung dự án sản xuất, an sinh, tạo sản phẩm cho du lịch. Quan tâm hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm. Tổ chức kết nối tour, tuyến để phát triển sản phẩm thế mạnh...

THANH HUYỀN

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.