Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hà Mòn hôm nay

Thùy Dung - 09:36, 17/02/2021

Nhắc đến địa danh Hà Mòn, nhiều người không quên về vùng đất một thời bị tà đạo hoành hành. Đó là chuyện của hơn thập kỷ trước. Hà Mòn hôm nay đang tự hào với thành tích, là địa phương đầu tiên của khu vực Tây Nguyên về đích nông thôn mới (NTM) và hiện nay 9/10 tiêu chí đã đạt tiêu chí NTM nâng cao.

Năm 2013 xã Hà Mòn về đích NTM và trở thành xã đầu tiên của 5 tỉnh Tây Nguyên về đích NTM.
Năm 2013 xã Hà Mòn về đích NTM và trở thành xã đầu tiên của 5 tỉnh Tây Nguyên về đích NTM.

Xã đầu tiên về đích NTM

Cách trung tâm huyện chỉ vài cây số, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (Kon Tum) nhìn khang trang, sạch sẽ khác xa tưởng tượng về một Hà Mòn trước kia, với không khí u ám, tối tăm, từng rúng động cả nước về hoạt động tà đạo, nhiều người dân bỏ bê sản xuất, sống trong cảnh đói rách, chui lủi…

Tuy nhiên, từ năm 2005, Hà Mòn đã sống lại, nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, lực lượng chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động. Người dân Hà Mòn đã hiểu ra lẽ phải, nghe theo cán bộ chính quyền, đẩy lùi tà đạo ra khỏi làng, bản, rũ bỏ quá khứ, bắt tay vào làm ăn, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát khỏi cuộc sống đói nghèo tối tăm.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế mà đời sống người dân Hà Mòn đã ổn định hơn rất nhiều.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế mà đời sống người dân Hà Mòn đã ổn định hơn rất nhiều.

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông rộng rãi, phẳng lì, hai bên nhà xây kiên cố như những biệt thự, ông Nguyễn Thái Lâm, Chủ tịch UBND xã Hà Mòn khoe: Năm 2010, thực hiện phong trào xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã bắt tay xây dựng kế hoạch, lộ trình và giải pháp thực hiện các tiêu chí, đồng thời nỗ lực thực hiện. Kể từ khi phát động xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thì đời sống của người dân có những thay đổi rõ nét. Hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng.

Tận dụng lợi thế vùng trồng cà phê, người dân xã Hà Mòn chăm chỉ làm ăn, vươn lên nên đời sống kinh tế chuyển biến rõ rệt. Không ít hộ nghèo trong xã đã thoát nghèo, nhiều hộ còn trở thành hộ khá giả.

Chỉ sau 3 năm từ 2010, triển khai xây dựng NTM đến năm 2013, Hà Mòn trở thành xã đầu tiên của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt chuẩn NTM.

Tận dụng lợi thế, tiềm năng về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, gia đình ông Chuyền mang về 700 triệu đồng mỗi năm.
Tận dụng lợi thế, tiềm năng về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển kinh tế, gia đình ông Chuyền mang về 700 triệu đồng mỗi năm.

Đưa chúng tôi về thăm thôn Thống Nhất, thôn được chọn là Khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Kon Tum, ông Thiều Văn Quyết, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã Hà Mòn bộc bạch, so với trước đây, đời sống của người dân trên địa bàn xã đã có rất nhiều thay đổi. Bà con đã tập trung đầu tư, chăm sóc cho cây trồng, đặc biệt là cây cà phê nên nhìn chung, đời sống khá ổn định, khi xã phát động tham gia xây dựng NTM, bà con rất đồng lòng, người góp sức, người góp công nhờ vậy diện mạo các thôn có nhiều sự khởi sắc.

Đồng lòng nâng chất NTM

Sau khi về đích NTM, xã Hà Mòn cũng xác định, nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là giữ vững và từng bước nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, từ sự đóng góp kinh phí xây dựng NTM của Nhân dân, xã Hà Mòn đã hoàn thành bê tông hóa được 16/16 tuyến đường, với tổng chiều dài 5.351m. Tiêu biểu trong phong trào xây dựng NTM phải nhắc đến gia đình ông Hoàng Danh Chuyền (thôn 1, xã Hà Mòn). Gia đình ông hiện có hơn 17ha cà phê, 2ha ao nuôi cá, 5.000 cây ăn quả, mỗi năm thu nhập hơn 700 triệu đồng. Đặc biệt, thông qua các mô hình kinh tế, ông Chuyền đã giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân địa phương. Khi được chính quyền vận động, ông đã sẵn lòng đóng góp 150 triệu đồng để làm đường.

“Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cho người dân chúng tôi rất nhiều. Bây giờ cuộc sống cũng đã khá hơn rồi, có của ăn, của để dành. Chính quyền vận động người dân làm đường giao thông, cũng là để người dân đi lại thuận lợi, bán được hàng hóa, nên mình cũng phải tham gia đóng góp chứ”, ông Chuyền bộc bạch.

Thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” người dân xã Hà Mòn đã đóng góp trên 300 triệu đồng làm đường giao thông.
Thực hiện chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” người dân xã Hà Mòn đã đóng góp trên 300 triệu đồng làm đường giao thông.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn cho biết: Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Hà Mòn đã đạt 42,7 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,29 lần so với so với năm 2013, thời điểm xã được công nhận NTM. Gần 79 % số hộ trong xã đạt và giữ vững gia đình văn hóa; 2/3 cơ quan văn hóa; 7/7 thôn đạt thôn văn hóa. Chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào đang từng bước được nâng cao

Theo Bí thư Đảng ủy xã, kể từ khi tiến tới xây dựng NTM nâng cao, xã Hà Mòn đã tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao các tiêu chí. Ví dụ như, Hà Mòn là vùng trồng cây cà phê chủ lực, nhưng nhiều thời điểm giá cà phê giảm thấp, Đảng bộ kịp thời bàn bạc, ra Nghị quyết chuyển hướng trồng xen canh cà phê. Nhà nào tái canh cây cà phê, thì sẽ trồng xen cây ăn trái để phát triển kinh tế...

Hiện nay, toàn xã đã nâng cao được 9/10 tiêu chí. Còn vướng 1 tiêu chí chưa đạt là còn 13 hộ nghèo đa chiều, trong đó có 6 hộ nằm trong trường hợp không còn sức lao động. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền đang tìm giải pháp để hoàn thành tốt tiêu chí này. 

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.