Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Hà Tĩnh: Ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt, mua bán chim tự nhiên

T.Minh (t/h) - 16:30, 15/09/2021

Sáng nay, 15/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn đã đi khảo sát, kiểm tra tình trạng đánh bắt chim di cư ở một số xã ven biển của các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn và đoàn kiểm tra giám sát việc tháo dỡ một số lùm đánh chim quy mô ở xã Thịnh Lộc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn và đoàn kiểm tra giám sát việc tháo dỡ một số lùm đánh chim quy mô ở xã Thịnh Lộc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn và lãnh đạo sở, ngành, lực lượng chức năng đã đi khảo sát, kiểm tra tình trạng đánh bắt chim di cư tại xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), xã Thạch Hải, xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà) và khu vực giáp ranh giữa huyện Cẩm Xuyên với huyện Thạch Hà. Đây là những địa bàn mà thời gian trước đây đều là những vùng trọng điểm đánh bắt chim di cư trong các mùa mưa bão, cần phải tập trung chấn chỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, phê bình xã Thịnh Lộc và các lực lượng chức năng ở huyện Lộc Hà vì đang để tồn tại các điểm đánh bắt chim trời trên địa bàn.

Các địa phương, lực lượng chức năng cũng đã trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc cần phải thực hiện các biện pháp, giải pháp liên hoàn, liên tục, đồng bộ để bảo vệ các loài chim trong mùa di cư năm nay.

Trong đó, tập trung tuyên truyền để nâng cao ý thức cho cả người đánh bẫy, người tiêu thụ; yêu cầu các hộ đã làm lùm, giàn để đơm, bẫy phải tự tháo dỡ, nếu không sẽ huy động lực lượng cưỡng chế; các lực lượng chức năng thường xuyên tiến hành tuần tra, kiểm soát địa bàn gắn với nhắc nhở, xử lý liên tục...

Chỉ đạo các địa phương, lực lượng chức năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cho rằng: "Việc bảo vệ môi trường sống an toàn cho các loài chim di cư có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ môi trường tự nhiên, cân bằng sinh thái và xây dựng ứng xử văn minh với tự nhiên, lối ăn uống lành mạnh. Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh nhiều nơi vẫn còn coi việc đánh bắt chim trời là một nghề, sử dụng thịt chim như một loại thực phẩm, nên lén lút đánh bắt, chế biến, tiêu thụ. Tình trạng này cần phải được chấn chỉnh và sớm ngăn chặn triệt để".

Chim mồi và các dụng cụ đánh bắt chim di cư bị lực lượng Kiểm lâm Lộc Hà thu giữ
Chim mồi và các dụng cụ đánh bắt chim di cư bị lực lượng Kiểm lâm Lộc Hà thu giữ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu: "Các lực lượng chức năng: Kiểm lâm, Công an, Biên phòng phải tập trung vào cuộc, phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng đánh bắt, tiêu thụ chim trời, trong đó lực lượng kiểm lâm phải đóng vai trò “chủ công”. Đặc biệt, lực lượng Kiểm lâm phải tăng cường tuần tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và sớm có văn bản báo cáo lên UBND tỉnh về tình trạng chung, xây dựng giải pháp để ngăn chặn hiệu quả.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, để tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho Nhân dân trong việc đánh bắt, mua bán, chế biến, sử dụng thịt chim trời. Các cơ quan truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong phát hiện, nhắc nhở, xử lý các trường hợp đánh bắt, các khu chợ buôn bán thịt chim, các nhà hàng sử dụng thịt chim làm thực phẩm…/.

Tin cùng chuyên mục