Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hàm Yên (Tuyên Quang): Chủ động xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ cam cho nông dân

P. Ngọc (T/h) - 19:25, 13/10/2021

Nhận định thị trường tiêu thụ cam nhiều khả năng gặp khó khăn trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã chủ động xây dựng phương án tiêu thụ cam cho người dân.

Cam sành Hàm Yên là một trong những cây trồng chủ lực giúp nhiều người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: INT
Cam sành Hàm Yên là một trong những cây trồng chủ lực giúp nhiều người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Ảnh: INT

Nông sản chủ lực 

Hàm Yên là địa phương có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho cây cam sành phát triển. Từ lâu, cam sành Hàm Yên là một trong những cây trồng chủ lực giúp nhiều người dân địa phương vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Cam Hàm Yên đã được người tiêu dùng bình chọn là một trong 50 trái cây đặc sản Việt Nam, lọt top 10 thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng; được Cục sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm “Cam sành Hàm Yên”, đây là lợi thế để cam Hàm Yên gia tăng sức cạnh tranh trên đường “đua” sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Hiện nay, huyện Hàm Yên đang ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, phát triển vùng cam, đặc biệt là chăm sóc, phát triển cam theo tiêu chuẩn VietGap. Theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có hơn 7.200 ha cam tại 13 xã, thị trấn với trên 4.000 hộ trồng cam, trong đó có 700 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và khoảng 20 ha cam sản xuất theo hướng hữu cơ; sản lượng dự kiến đạt trên 84.000 tấn.

Việc thực hiện chăm sóc, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP không những tăng năng suất, cải thiện mẫu mã, chất lượng của sản phẩm mà còn giúp bà con nông dân giảm tới 50% chi phí cho phân bón và thuốc trừ sâu so với cách trồng cam thông thường.

Để giữ vững thương hiệu, chất lượng, hiệu quả kinh tế cho người trồng cam, huyện Hàm Yên xác định việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap là hướng đi bền vững. Những năm qua, Huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra dọc tuyến quốc lộ sau vụ cam để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ cam bán trên địa bàn. Đồng thời khuyến cáo các tiểu thương không bán cam không rõ nguồn gốc xuất xứ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Giải pháp tiêu thụ

Năm nay, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhận định thị trường tiêu thụ cam nhiều khả năng gặp khó khăn, UBND huyện Hàm Yên đã chủ động xây dựng phương án tiêu thụ cam cho người dân. 

Theo đó, với sản lượng 84.000 tấn cam, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu tiêu thụ nội tỉnh đạt từ 20 đến 25% sản lượng; tiêu thụ ngoại tỉnh vẫn là chủ yếu chiếm từ 75 đến 80% sản lượng. 

Niên vụ 2021-2022, Hàm Yên có hơn 7,200ha trồng cam, dự kiến cho sản lượng 84.000 tấn.
Niên vụ 2021-2022, Hàm Yên có hơn 7,200ha trồng cam, dự kiến cho sản lượng 84.000 tấn.

Ông Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết: Thực hiện phương án hỗ trợ tiêu thụ cam Hàm Yên, huyện đã phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cam trong điều kiện ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, chủ động kết nối với Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh, thành phố hỗ trợ tiêu thụ cam; tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân đến Hàm Yên khảo sát kết nối tiêu thụ cam cho người dân. Tuy nhiên, việc đảm bảo các quy định về phòng chống dịch bệnh khi tổ chức thu hái, thu gom sản phẩm cam cũng sẽ được huyện quán triệt nghiêm túc.

Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, UBND huyện Hàm Yên cũng phối hợp với Sở Công Thương đưa vào hệ thống các các siêu thị, các sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Postmart, Sendo, Shopee… dự kiến khoảng 10.000 tấn.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - Giám đốc Bưu điện tỉnh Tuyên Quang cho biết, để chủ động tiêu thụ cam Hàm Yên trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Bưu điện tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng cho các hộ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời hướng dẫn người bà con nông dân tạo tài khoản để giới thiệu hình ảnh trái cam Hàm Yên trên sàn điện tử, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tránh ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch.

Tập đoàn Masan cũng sẽ hỗ trợ mặt bằng dựng gian hàng thực hiện tuần lễ bán và giới thiệu sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh Tuyên Quang tại Hà Nội, trong đó có cam Hàm Yên, dự kiến tổ chức vào tháng 11 tới. 

Ngoài ra, Huyện sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn huyện, người tiêu dùng trong tỉnh ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm cam của quê nhà.