Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Hàng chục nghìn m2 đất rừng ở Gia Lai thành đất tư chia cho cán bộ

PV - 20:23, 12/04/2018

Để được hợp thức hóa, đất rừng đã trải qua con đường “bất minh”, có dấu hiệu tiếp tay của nhiều cán bộ, lãnh đạo ở nhiều ngành, nhiều cấp.

Hàng chục nghìn mét vuông đất rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, tỉnh Gia Lai đã được hợp thức hóa thành đất tư của cán bộ, lãnh đạo và nhân viên ban quản lý này.

Một trong những diện tích đất tại Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ bị lấn chiếm. Một trong những diện tích đất tại Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ bị lấn chiếm.

Đất rừng dễ dàng thành đất cán bộ

Theo Kết luận thanh tra số 06/KL-TTr năm 2017 của Thanh tra tỉnh Gia Lai, có tổng cộng gần 85.000m2 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đã bị lấn chiếm, hợp thức hóa thanh đất cá nhân.

Trong đó, hầu hết đất lọt vào tay cán bộ, nhân viên hoặc cựu cán bộ, nhân viên của ban quản lý rừng này. Những diện tích đất ấy giờ đều là “đất vàng” khi nằm gần khu công nghiệp và khu dân cư thành phố mở rộng ra đây.

Điển hình, năm 2012, UBND thành phố Pleiku cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ký hiệu BI 753848 với diện tích gần 17.000m2 cho ông Nguyễn Đức (khi ấy là Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ).

Qua đối chiếu với hồ sơ đất lâm nghiệp thì toàn bộ diện tích đất mà ông Nguyễn Đức được cấp giấy chứng nhận thuộc Tiểu khu 389, lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, địa phận xã Diên Phú, thành phố Pleiku.

Trường hợp thứ hai, tháng 1/2011, bà Mai Thị Ngọc Thỏa, cựu viên chức tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 thửa đất có tổng diện tích hơn 30.277m2.

Theo hồ sơ, bà Thỏa khai nguồn gốc đất là khai hoang trước năm 1990, có trồng cây các loại. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này thực tế thuộc Tiểu khu 389, lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, địa phận xã Diên Phú, thành phố Pleiku.

Ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận, diện tích này đã được bà Thỏa “chia” cho các cán bộ, lãnh đạo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Cụ thể, ông Đặng Văn Cườm (Kế toán ban) nhận chuyển nhượng hơn 10.000m2; ông Đặng Xuân Thu (Phó trưởng ban) nhận gần 10.200m2; 10.000m2 còn lại bà Thỏa chuyển nhượng cho một người khác.

Trường hợp thứ 3, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện hơn 10.400m2 đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đang bị ông Tưởng Tín (nguyên Trưởng ban) sử dụng trái  phép. Diện tích này nằm ngay cạnh khu đất trụ sở của Ban.

Theo trình bày của ông Tưởng Tín thì diện tích này ông nhận sang nhượng của người khác từ năm 1985. Việc sang nhượng chỉ có giấy viết tay nhưng nay không còn.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai cũng phát hiện 12 cá nhân khác đang sử dụng diện tích gần 11.400m2 đất lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ. Trong đó, hầu hết những diện tích này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Diện tích đất mà ông Nguyễn Đức, nguyên Trưởng Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ lấn chiếm, đã xây nhà kiên cố và làm trang trại. Diện tích đất mà ông Nguyễn Đức, nguyên Trưởng Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ lấn chiếm, đã xây nhà kiên cố và làm trang trại.

Có đường dây và có sự tiếp tay?

Cũng theo Kết luận Thanh tra số 06/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Gia Lai, hồ sơ khai man 2 thửa đất diện tích hơn 30.277m2 mà bà Mai Thị Ngọc Thỏa, cựu viên chức tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được cấp giấy chứng nhận là được các ông Tưởng Tín-nguyên Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, ông Ngô Văn Bằng- Chủ tịch UBND xã Diên Phú và ông Lê Huy Phong- công chức Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố Pleiku xác nhận đất là khai hoang, không có tranh chấp.

Từ đó, diện tích khai man này đã được ông Bùi Tiến Dũng- Phó chủ tịch UBND thành phố Pleiku ký cấp giấy chứng nhận (ông Dũng hiện nay là Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Pleiku).

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích gần 17.000m2 trên đất lâm nghiệp của ông Nguyễn Đức, nguyên Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cũng do ông Bùi Tiến Dũng- Phó chủ tịch UBND thành phố Pleiku ký.

Đáng chú ý, theo hồ sơ đăng ký, diện tích đất ông Nguyễn Đức được cấp là được chuyển nhượng từ người khác nhưng không ghi ngày tháng chuyển nhượng, không được cơ quan quản lý đất đai xác nhận chuyển nhượng. Tuy nhiên, không rõ lý do vì sao, ông Đức vẫn được UBND thành phố Pleiku cấp giấy chứng nhận.

Các hồ sơ khai man đất lâm nghiệp thành đất nông nghiệp, thổ cư khác trên diện tích đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ cũng có các chữ ký xác nhận của nhiều cán bộ, lãnh đạo từ cấp xã đến thành phố Pleiku.

Có thể thấy rằng, việc lấn chiếm và hợp thức hóa đất rừng thành đất cá nhân tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ là rất nghiêm trọng. Với những hồ sơ bất minh, nhưng hàng chục nghìn mét vuông đất vẫn dễ dàng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, hợp thức hóa thành đất cá nhân, cho thấy việc cấp giấy chứng nhận là có vấn đề; không loại trừ có lợi ích nhóm, có sự tiếp tay của cán bộ, lãnh đạo không chỉ ở Ban Quản lý rừng này, mà còn ở cấp xã đến thành phố Pleiku.

Ông Nguyễn Đức, nguyên Trưởng Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Ông Nguyễn Đức, nguyên Trưởng Ban QLR phòng hộ Bắc Biển Hồ đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Sẽ xử lý hình sự nhiều đối tượng?

Nhận định những sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ là nghiêm trọng, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo chuyển hồ sơ vụ việc và kết luận thanh tra sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh.

Theo Đại tá Phan Thanh Tám, Phó giám đốc Công an tỉnh Gia Lai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ và đang làm rõ các dấu hiệu vi phạm, trong đó có việc đất rừng hợp thức hóa thành đất của cán bộ, lãnh đạo và nhân viên Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đồng thời mở rộng phá án về đường dây làm sổ đỏ trái luật từ đất lâm nghiệp thành đất thổ cư và nông nghiệp tại đây.

Đại tá Phan Thanh Tám cho biết, công an tỉnh “đã có kết luận điều tra ban đầu và đang tham vấn Viện Kiểm sát để có hướng xử lý hình sự một số đối tượng có liên quan. Vụ việc đang trong quá trình điều tra, thông tin cụ thể sẽ được cung cấp khi có kết luận và các quyết định liên quan”.

Cũng liên quan tới những sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, tháng 12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức, Trưởng ban về hành vi "Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Cùng bị  khởi tố với tội danh này nhưng được cho tại ngoại phục vụ công tác điều tra là ông Đặng Văn Cườm, Kế toán trưởng của Ban./.

THEO VOV

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.