Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hành trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh: “Quả ngọt” ở vùng đất địa đầu (Bài cuối)

Mỹ Dung - 22:01, 21/08/2023

Trên hành trình phát triển vùng đồng bào DTTS-miền núi, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, nhưng với việc nhận diện “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đến các cấp cơ sở, bằng những giải pháp, cách làm hay đã tạo sự bứt phá phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS, miền núi. Góp phần quan trọng đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh khu vực miền Bắc có huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM; có huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM và có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Nhiều tuyến đường được bê tông hóa tại huyện vùng cao Bình Liêu
Nhiều tuyến đường được bê tông hóa tại huyện vùng cao Bình Liêu

Diện mạo nông thôn, vùng DTTS đã thay đổi

Có dịp về với vùng nông thôn, vùng DTTS và miền núi tỉnh Quảng Ninh, theo lời kể của nhiều người dân thì, bây giờ đã khác xưa rất nhiều. Đó là những con đường rộng trải nhựa hoặc đường bê tông xi măng chạy đến từng bản làng, thôn xóm. Để tạo cảnh quan đẹp cho bản lành NTM, ở nhiều tuyến đường hai bên còn được người dân điểm tô bằng những hàng rào xanh ngát với những bông hoa mang màu sắc rực rỡ.

Tìm hiểu ở vài xã đều có thể thấy được, hầu hết trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang, được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ cho nhu cầu học tập, khám chữa bệnh và sinh hoạt của người dân. Sự khấm khá của cuộc sống người dân không chỉ thể hiện qua những nếp nhà xinh xắn; qua sự phổ biến các tiện nghi xe máy, ti vi, quạt điện..., mà còn là nụ cười hạnh phúc trên gương mặt người cao tuổi, cùng những bước chân tíu tít tới trường của các em thơ.

Dừng bước ở xã Đồn Đạc, từng là xã đặc biệt khó khăn ở huyện Ba Chẽ, nhưng hiện nay, Đồn Đạc không chỉ xóa đói giảm nghèo thành công, xã còn là một điển hình trong xây dựng NTM. Điều đó được minh chứng qua những con đường trải nhựa sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang, màu ngói đỏ ẩn hiện điểm xuyến gần những cánh rừng keo, đồi quế xanh đến ngút ngàn. Đây chính là thành quả của một quá trình gắn SỰ cần cù, bền bỉ với sự đổi mới cách nghĩ, cách làm của người nông dân.

Tận thấy khung cảnh đó, cũng như qua các câu chuyện với những người dân nơi này, mới thấy hết được sức vươn mình của một địa bàn mà cái nghèo từng bám rễ. Năm 2011, khi mới bắt đầu xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân Đồn Đạc chỉ đạt 4,68 triệu đồng/người. Tới nay, sau hơn 11 năm, con số này là 60 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 77,17% (năm 2010) xuống còn 0,95% (năm 2022)

Anh Chíu A Ba, ở thôn Nà Làng, xã Đồn Đạc phấn khởi cho biết: “Trước kia trong thôn hộ nghèo còn nhiều. Giờ thì không còn nữa, nhiều hộ còn khá giả. Cũng nhờ đó mà con em chúng tôi được học hành đến nơi đến chốn. Một khi cái no không còn phải lo, chúng tôi có điều kiện tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của thôn, của xã...”

Phấn khởi của anh nông dân Chíu Á Ba, cũng là phấn khởi chung của nhiều người dân nông thôn vùng DTTS Quảng Ninh. Nhờ chương trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh, tính đến hết năm 2021, đã đạt 52,5 triệu đồng, tăng 13,88% so với năm 2020-một con số rất ấn tượng. 

“Quả ngọt” đến với mọi nhà

Sau hơn 10 năm thực hiện hai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo, Quảng Ninh có 98/98 (100%) xã đạt chuẩn, (cả nước là 73,06%); có 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 57,1% (cả nước có 937 xã, đạt 11,4%); có 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt 26,5% (cả nước có 110 xã, đạt 1,34%); 13/13 đơn vị huyện đạt chuẩn NTM, (cả nước có 255 huyện, đạt 39,6%).

Nhìn từ xã Kỳ Thượng- xã vùng cao, địa hình đồi núi khó khăn. Tỷ lệ người đồng bào dân tộc chiếm gần 100%, sống phân tán, trong đó tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tới trên 90%...

Cũng giống như xã Đồn Đạc của huyện Ba Chẽ, xã Kỳ Thượng, việc bắt đầu triển khai xây dựng NTM gặp vô vàn khó khăn, trong đó, khó nhất là làm sao cải biến được tâm lý an phận, ngại thay đổi trong người dân, để từ đó mà gieo trồng lên khát vọng được đổi đời để có ấm no, hạnh phúc.

Để tạo bứt phá từ chương trình xây dựng NTM, xã Kỳ Thượng chủ trương xây dựng điểm một số mô hình phát triển kinh tế theo hướng vườn đồi kết hợp với trồng rừng. Kết quả tích cực, cụ thể từ những mô hình ban đầu này, đã xóa tan được những hoài nghi, lo lắng vốn khá phổ biến khi đó là làm cái mới dễ thất bại. Phong trào làm kinh tế càng trở nên sôi động hơn khi cơ sở hạ tầng được đầu tư. Các doanh nghiệp thành lập ngày một nhiều hơn, trong đó nhiều người dân tích cực tham gia góp vốn, góp tư liệu sản xuất, trở thành những thành viên, hội viên tích cực cùng liên kết làm ăn…

Khách du lịch hào hứng với nhiều chương trình, hoạt động trải nghiệm với bà con tại Am Váp Farm
Khách du lịch hào hứng với nhiều chương trình, hoạt động trải nghiệm cùng bà con tại Am Váp Farm

Thực tiễn cho thấy nếu có động viên, khích lệ, quan tâm hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, người dân hoàn toàn có thể làm nên những điều lớn lao. Hay có thể nhìn nhận, trong mỗi tư tưởng, nhận thức của người dân luôn tiềm ẩn lòng tự tôn, tự trọng về cuộc sống, cũng có sự nhạy bén của thị trường, vấn đề chỉ là làm cách nào để khơi dậy tiềm năng trí tuệ và nhạy bén đó mà thôi.

Thành công của mô hình dịch vụ, du lịch trải nghiệm những năm gần đây ở nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi, là bằng chứng sinh động cho điều đó.

Anh Lý Tài Ngân, Giám đốc Công ty CP Am Váp Farm bộc bạch: “Người thì góp đất, người thì góp tiền, Công ty có được hơn 7 tỷ đồng vốn, nhờ đó mà giờ đây chúng tôi đã có một quần thể khu du lịch trải nghiệm gắn với bản sắc vùng đồng bào. Để thu hút khách, tăng thu nhập nhiều hơn nữa, chúng tôi cũng đang vận động các hộ dân ở đây cải tạo lại nhà cửa để đón khách ở qua đêm, đặc biệt là dịp cuối tuần hoặc nghỉ lễ”.

Nhìn lại thực tế hơn 10 năm triển khai xây dựng NTM với cách triển khai bài bản, sự linh hoạt, sáng tạo với những cách làm hay, cơ sở hạ tầng về cơ bản đã được đầu tư đồng bộ, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển tích cực. Trong đó, nhiều mô hình đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị và các sản phẩm OCOP, thông qua chủ trương, hỗ trợ phát triển các sản phẩm địa phương để quảng bá thương hiệu, trở thành sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao...

Đặc biệt, một trong những thành quả đạt được rất quan trọng, là nhận thức của người dân, đồng bào DTTS được thay đổi rõ rệt. Bà còn dần thoát khỏi tư tưởng trông chờ, thụ động mà chủ động vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đây là nền tảng cơ bản, quan trọng để Quảng Ninh tiến xa hơn nữa trong chặng đường tiếp theo là, tiếp tục cơ cấu lại phương thức sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ du lịch nhằm nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết: Từ nay đến 2025, Quảng Ninh sẽ dành 4.000 tỷ đồng cùng các nguồn lực huy động hợp pháp khác đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tăng sức hấp dẫn ở vùng khó với các nhà đầu tư 

Kết thúc năm 2022, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, về đích sớm hơn một năm so với Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15 đề ra. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên khu vực miền Bắc có huyện đạt chuẩn NTM, có huyện đảo Cô Tô, là huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM.

Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc có xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đó thực sự là “những cái nhất” đẹp mang lại niềm phấn khởi. “Những cái nhất” thực sự theo nghĩa đen đó, đã góp phần quan trọng đưa “những cái nhất buồn”: Điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; kinh tế phát triển chậm nhất; chất lượng nhân lực thấp nhất; thu nhập thấp nhất; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất... trước đây ở các huyện vùng DTTS và miền núi Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà đi vào quên lãng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: Tỉnh đã thực sự đổi mới toàn diện, nhất là đổi mới trong tư duy phát triển bền vững; đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn...

Quảng Ninh dự kiến từ nay đến 2025 sẽ dành 4.000 tỷ đồng cùng các nguồn lực huy động hợp pháp khác để xây dựng hệ thống giao thông liên kết nội vùng và kết nối các vùng núi với các tuyến cao tốc hiện có. Đây cũng là cách Quảng Ninh gia tăng các giá trị mới, tăng sức hấp dẫn ở vùng khó với các nhà đầu tư và cũng là đòn bẩy để Quảng Ninh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và thu nhập 

Ngày 8/2/2023, tại Hội nghị tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2022 và triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025 tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự đã phát biểu nhìn nhận rằng, Quảng Ninh hết sức năng động, sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương trong điều kiện của tỉnh qua từng giai đoạn; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh; Tỉnh cũng đã ưu tiên dành nguồn lực tập trung cho vùng đồng bào DTTS, vùng nông thôn, miền núi, hải đảo.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, với những thành quả đã đạt được của địa phương, cộng với nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đang được tỉnh Quảng Ninh quyết liệt triển khai trên địa bàn, sẽ tiếp tục thúc đẩy vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.