Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hành trình trên 30.000km tìm đồng đội

PV - 09:51, 24/04/2019

Trở về từ cuộc chiến, bản thân là thương binh 3/4 nhưng Cựu chiến binh Dương Mạnh Việt, dân tộc Thái ở xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên vẫn đau đáu một nỗi niềm, bởi đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường xưa. Vậy là, ông lại “khoác ba lô” đi tìm và đưa họ về với đất mẹ, nơi quê hương bản quán. Ông Dương Mạnh Việt đã cung cấp bản đồ để cơ quan chức năng quy tập hơn 2.000 liệt sĩ. Bản thân ông đã tự túc kinh phí trải qua mọi khó khăn nguy hiểm vượt trên 30.000 km để quy tập được hài cốt gần 170 liệt sĩ hy sinh trên nước bạn Lào, Tây Nguyên về quê hương.

Ông Việt với những tư liệu về chiến trường xưa. Ông Việt với những tư liệu về chiến trường xưa.

Đau đáu một nỗi niềm

Năm 1968, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên dân tộc Tày Dương Mạnh Việt đã lên đường nhập ngũ. Tại đây, ông được giao nhiệm vụ tham gia quân tình nguyện đồng thời làm chuyên gia giúp nước bạn Lào xây dựng quân đội cách mạng chính quy và giải phóng vùng địch chiếm đóng. Sau năm 1975, hoàn thành nghĩa vụ, ông trở về đời thường lập gia đình sống bình dị với bà con làng xóm.

Thế nhưng, trong những ngày bình yên, ông vẫn thường ngồi một mình suy tư rồi bật khóc nghĩ về những giấc mơ. Trong giấc mơ ấy, ông lại thấy hiện lên những gương mặt non tơ, trẻ măng của những người đồng đội đã ngã xuống khi chưa kịp nắm tay bạn gái bao giờ.

Ông mang tâm sự ấy nói với vợ con và dự định trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội. Thấu hiểu và đồng cảm với chồng, vợ ông cùng các con đã không từ chối mà còn hết lời động viên ông lên đường. Với những hành trang đó, ông Việt mặc lại chiếc áo bộ đội năm xưa với balo con cóc, mũ tai bèo và tấm bản đồ ghi tên nơi chôn cất đồng đội.

Tấm bản đồ “quý giá” này, ông đã cung cấp cho các đội tìm kiếm và quy tập hài cốt các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Đồng thời, bản thân ông cũng tình nguyện cùng những đồng đội tìm kiếm riêng.

Ông Việt nhớ lại mỗi lần đi tìm đồng đội là mỗi lần lòng ông lại trào dâng sự xúc động. Bởi vậy, đường đi dù xa xôi, hiểm trở, nhiều rắn độc, thú dữ, bom mìn còn sót lại... nhưng ông chưa bao giờ sờn lòng. Bởi những gian nan đó vẫn chưa là gì so với sự hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ để bao thế hệ được sống trong hoà bình.

“Mừng đến rơi nước mắt mỗi khi chúng tôi tìm được một bộ hài cốt của đồng đội. Biết bao giọt nước mắt của chúng tôi đã nhỏ xuống khi chứng kiến những di vật được chôn theo hài cốt liệt sĩ. Vừa làm chúng tôi vừa khóc, đồng đội có người vừa cưới vợ hôm trước, hôm sau đã lên đường ra trận rồi vĩnh viễn không trở về. Có người còn chưa một lần biết yêu, được yêu. Bao năm vùi xác thân lạnh lẽo nơi rừng rú, không một ai biết để viếng thăm...”.- ông Việt xúc động chia sẻ.

Lần hồi trong ký ức của mình ông Việt kể, cho đến tận bây giờ ông không thể nào quên năm 2012. Khi ấy, ông cùng một vài đồng đội trong Ban Liên lạc Quân tình nguyện ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức thăm lại chiến trường Hủa Phăn (Lào) kết hợp xác định địa điểm phần mộ liệt sĩ là đồng đội của ông đã hy sinh năm 1973. Đến bản Mường Hiềm, vị Trưởng bản ùa ra ghì chặt lấy ông và khóc nấc lên gọi tên từng người trong đoàn. Ông ấy chính là chiến sĩ trẻ tên Khăm, theo bộ đội Pa Thét Lào cùng quân tình nguyện chiến đấu và bị địch bắn tỉa khi đang làm giao liên. Viên đạn xuyên từ cằm lên đỉnh đầu, nhưng các chiến sĩ quân tình nguyện đã mổ và cứu sống ông. Hơn 40 năm trôi qua, mỗi con người đều có những đổi thay nhất định, nhưng tình cảm đồng chí sát cánh bên nhau đối mặt với cái chết vẫn còn vẹn nguyên như tình ruột thịt.

Mọi người cùng nhau tìm đến trận địa Na Khằng thắp hương và làm các nghi lễ tưởng nhớ đồng đội. Sau nhiều ngày phát cỏ, địa hình đã thay đổi nhiều, đồi đất rộng và cây cỏ rậm rạp nên khó xác định. Thế nhưng với sự kiên trì cần mẫn, đội đã tìm được hố chôn tập thể 37 chiến sĩ năm xưa. Tất cả đều được gọi tên và làm đúng nghi lễ trang trọng để đưa về đất mẹ trong niềm xúc động khôn xiết của cả những Cựu chiến binh Việt Nam, Lào và dân bản.

Người con của gần 170 gia đình liệt sĩ

Ông Dương Mạnh Việt tâm sự, tìm được hài cốt đồng đội ông xúc động bao nhiêu thì khi đưa họ về với gia đình ông lại càng xúc động hơn bội phần. Nhìn những mẹ già đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời với mái tóc bạc phơ, lưng còng, chân yếu, ôm ghì lấy phần tiểu đựng hài cốt con trai chẳng ai có thể kìm lòng. Nước mắt cứ rơi và lăn dài trên gò má đã nhăn nheo của mẹ, nước mắt ấy là sự xúc động nhưng cũng chan chứa sự tự hào và hạnh phúc bởi tâm nguyện của các mẹ đã được hoàn thành.

Cũng vì lẽ đó, mà trong hành trình của mình, Dương Mạnh Việt đã trở thành con của biết bao gia đình liệt sĩ. Ông như thay đồng đội hàn gắn những vết thương sau cuộc chiến.

Tháng 10/2016, sau một hành trình dài tìm người đồng đội Trịnh Hồng Thái, ông đã đưa liệt sĩ về mới đất mẹ ở xã Phú Xuyên, Đại Từ, Thái Nguyên. Khi nhìn thấy hài cốt của con trai, mẹ Trịnh Thị Ngọ đã ôm ghì lấy mà khóc. Hết ôm con mẹ lại quay sang ôm người đồng đội Dương Mạnh Việt. Mẹ bảo, mẹ đã sống phần đời còn lại chỉ đợi ngày này-ngày con trai trở về. Sau chuyến đó, ông đã nhận mẹ Ngọ là mẹ của mình thường xuyên tới thăm hỏi động viên như người con trong nhà.

Trong hành trình của mình, ông Dương Mạnh Việt từng đưa hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Văn Kỳ về cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Tý ở xã Phúc Xuân, TP. Thái Nguyên. Mẹ Tý sinh được 9 người con, 5 trai, 4 gái, trong đó có 3 con trai đi bộ đội. Năm 1971, mẹ Tý nhận được giấy bảo tử của đơn vị gửi về, con trai Nguyễn Văn Kỳ, hy sinh tại chiến trường Lào khi vừa tròn 20 tuổi. Đến năm 1975, mẹ lại gạt nước mắt lần thứ hai khi nhận được giấy bảo tử con trai Nguyễn Tiến Du, hy sinh tại mặt trận phía Nam Tổ quốc khi mới 21 tuổi. Hạnh phúc và đau khổ khi mẹ được “ôm” hài cốt của con trai Nguyễn Văn Kỳ do Đội quy tập mộ liệt sĩ Việt Nam tại Lào bàn giao cho gia đình.

Mẹ Tý xúc động nói: “Nếu không có các anh trong Đội quy tập thì không biết bao giờ anh Kỳ mới được về với người thân, với quê hương. Gia đình mẹ biết ơn vô cùng. Mẹ mất đi 2 người con, nhưng mẹ đã nhận được nhiều người con khác. Mẹ luôn coi các anh trong Đội quy tập như anh Việt là con của mẹ”.

TRẦN TRUNG - HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp từ tư duy đột phá

Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đến năm 2050 là trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng. Với lợi thế chủ yếu sản xuất nông nghiệp thì mục tiêu này là tương đối cao; nhưng từ những thành tựu phát triển đã đạt được và sự đột phá trong tư duy, tỉnh Hậu Giang sẽ hiện thực hóa khát vọng này.