Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hậu Giang: Diện mạo mới vùng đồng bào DTTS

Phương Nghi - 15:37, 16/11/2020

Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Các chương trình, chính sách, dự án được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực; tạo nên sự khởi sắc cho vùng đồng bào DTTS, đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Danh Na Rinh ở ấp 1, xã  Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) thực hiện mô hình trồng quýt đường mang về thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Danh Na Rinh ở ấp 1, xã  Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) thực hiện mô hình trồng quýt đường mang về thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.

Phum sóc đổi thay

Còn nhớ trước đây, những địa danh như Vĩnh Viễn, Lương Tâm hay Xà Phiên của huyện Long Mỹ (Hậu Giang); Hòa An, Hòa Mỹ (huyện Phụng Hiệp); Vị Thủy, Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) từng “nổi tiếng” về sự xa xôi, hệ thống giao thông nhiều cách trở, điều kiện đi lại của người dân chủ yếu bằng ghe, xuồng. Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng bào Khmer còn nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực xây dựng xóm, ấp ngày càng phát triển, xanh - sạch - đẹp.

Từ nguồn vốn Chương trình 135 và lồng ghép các chương trình, dự án khác, hạ tầng cơ sở vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống từng bước thay đổi. Xà Phiên (huyện Long Mỹ) là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhờ thụ hưởng Chương trình 135 mà cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm nơi đây được xây dựng khang trang, giao thương thuận lợi.

Ông Danh Nưl ở ấp 5, xã Xà Phiên, bộc bạch: Từ khi tuyến đường ấp được xây dựng đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện, hàng hóa vận chuyển thông thương, nhiều hộ đồng bào Khmer nơi đây xây được nhà khang trang. Hiện người dân ấp 5 rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Ấp Xẻo Trâm, xã Hòa An từng được biết đến là một trong những ấp nghèo nhất huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, hiện Xẻo Trâm đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt từ nguồn vốn Chương trình 135, ấp đã xây dựng tuyến đường dài hơn 3km rộng 2,5m kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho việc đi lại cũng như trao đổi hàng hóa của người dân. 

Hiệu quả từ các chính sách dân tộc

Những năm gần đây, nhờ triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách như cho vay vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo vùng khó khăn, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS… nên đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày thêm khởi sắc.

Anh Danh Điều ở ấp 10, xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ) là hộ nghèo nên khoảng 5 năm trước, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay mua 3 con bò để tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Ngoài đi làm thuê, anh còn tranh thủ thời gian rảnh cắt cỏ cho bò ăn. Hằng năm, anh thu nhập 20 - 25 triệu đồng/lần từ bán bò thịt. “Mặc dù gia đình mới thoát nghèo nhưng cuộc sống giờ đây đã ổn định hơn trước rất nhiều. Điều tôi mừng nhất là đứa con gái lớn đang học tại trường THPT dân tộc nội trú của tỉnh được miễn hoàn toàn tiền học phí, cũng như bảo đảm có chỗ ăn, ở… Tôi đang cố gắng lao động để thoát nghèo bền vững”, anh Danh Điều bộc bạch.

Theo Ban Dân tộc tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn Chương trình 135 Trung ương phân bố cho tỉnh là trên 71,7 tỷ đồng. Trong đó, về phát triển kết cấu hạ tầng là hơn 53,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo là hơn 13,1 tỷ đồng; duy tu, bảo dưỡng công trình là trên 3,4 tỷ đồng; đào tạo cán bộ cơ sở và cộng đồng là trên 1,5 tỷ đồng... Từ đó, góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Nhờ hỗ trợ kịp thời trong phát triển sản xuất, đào tạo nghề, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm nhanh. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 2.493 hộ nghèo DTTS (chiếm 32,15% tổng số hộ DTTS), thì đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 1.245 hộ nghèo DTTS (chiếm 14,58%) và có 1 xã, 6 ấp thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn”.