Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hậu quả đắng cho những kẻ coi thường pháp luật

Hiếu Anh - 08:21, 08/03/2021

Thời gian qua, tình hình dịch covid 19 diễn biến phức tạp, các cấp chính quyền, lực lượng chức năng, nhất là ở các địa bàn biên giới đang nỗ lực siết chặt quản lý đường mòn lối mở qua biên giới. Tuy nhiên, bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh, nhiều đối tượng không chấp hành, mà thậm chí, còn lợi dụng nâng giá tiền khi đưa người bất hợp pháp qua biên giới. Những hành vi này đã phải trả những cái giá rất đắt.

Các bị cáo đưa người trái phép qua biên giới bị xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng
Các bị cáo đưa người trái phép qua biên giới bị xét xử tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng

Những bản án nghiêm khắc

Vào đầu năm 2021 (19/1), Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã mở phiên tòa hình sự xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1970 về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Nga bị bán sang Trung Quốc từ năm 1993. Sau đó, Nga lấy chồng và cư trú ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Khoảng tháng 10/2020, trong khi tình hình dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp, Nga lại tổ chức cho 3 người Trung Quốc là Lục Khang Thiên, Ngô Tự Đông và Bạch Bính Nguyên sang Việt Nam theo đường tiểu ngạch và trốn cách ly. Đến ngày 15/11/2020, Nga và 3 người Trung Quốc nêu trên, bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc phát hiện, bắt giữ khi đang ở bất hợp pháp tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo.

Xét thấy, hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và nhiều vấn đề về ANTT, Hội đồng xét xử quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Nga 24 tháng tù giam.

Không riêng bị cáo Nguyễn Thị Nga, thời gian qua, cơ quan chức năng đã xét xử nhiều vụ án tương tự, với mức án rất nghiêm khắc. Như vụ án ngày 29/8/2020, Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng cũng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án các bị cáo Hồ Thị Thu Trinh 6 năm tù, bị cáo Huỳnh Ngọc Diễm 5 năm tù và bị cáo Chen Xian Fa (quốc tịch Trung Quốc) 8 năm tù cùng về cùng tội danh “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Ngoài ra, Chen Xian Fa còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là sau khi chấp hành xong án tù, buộc trục xuất khỏi Việt Nam.

Cùng với việc xét xử các vụ án đưa người trái phép qua biên giới, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính nhiều vụ việc. Gần đây, cơ quan chức năng còn tiến hành bắt giữ, khởi tố điều tra nhiều đối tượng có hành vi phạm tội đưa người trái phép qua biên giới.

Giáo dục răn đe

Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, tình trạng này chưa dứt, thời gian qua, nhiều người chỉ vì cái lợi trước mắt đã cố tình đưa người nước ngoài qua biên giới bất hợp pháp. Những hành vi này, chẳng những gây nguy cơ tiềm ẩn lây lan dịch bệnh mà còn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lực lượng chức năng tích cực tuần tra đường mòn lối mở phòng chống dịch Covid 19
Lực lượng chức năng tích cực tuần tra đường mòn lối mở phòng chống dịch Covid 19

Luật sư Trịnh Thị Toan (Văn phòng luật sư Lê Quốc Hiền) cho biết: việc đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể bị truy cứu trách nhiệm sự theo điều 348 bộ hình sự 2015 về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” với mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Mặt khác, cũng theo phân tích của Luật sư Trịnh Thị Toan, trong trường hợp, những người tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và làm lây truyền dịch bệnh, thì có thể phải áp dụng quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”. Với mức hình phạt cao nhất lên tới 10 năm tù giam.

Có thể thấy, những vụ án đã xét xử thời gian vừa qua, là một bài học sâu sắc cảnh tỉnh người dân. Mục đích của việc xét xử không chỉ nhằm răn đe, mà còn hướng tới giáo dục ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra trong xã hội.


Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.