Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Hệ thống các trường phổ thông DTNT: Nơi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho vùng DTTS

PV - 17:04, 18/12/2018

Sáng ngày 18/12, tại thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) giai đoạn 2008-2018. Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông tham dự và đồng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tổng kết 10 năm trường phổ thông DTNT Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đầu tư phát triển toàn diện

Theo thống kê của Bộ Giáo dục-Đào tạo, toàn quốc hiện có 315 trường phổ thông DTNT ở 49 tỉnh, thành phố, với 109.245 học sinh nội trú. Trong đó, trường phổ thông DTTNT tỉnh có 59 trường, cấp huyện có 256 trường; có 3 trường phổ thông DTNT trực thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo (Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, Hữu nghị 80 và Hữu nghị T78). Về quy mô, trung bình các trường cấp tỉnh có khoảng 600 học sinh/trường, cấp huyện khoảng 290 học sinh/trường.

Đến nay, toàn quốc có 12.765 giáo viên giảng dạy tại các trường phổ thông DTNT. Ngoài việc thực hiện giảng dạy theo quy định, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường còn phải thực hiện các nội dung giáo dục đặc thù như: Quản lý và hướng dẫn học sinh sinh hoạt nội trú, tự học, học tiếng dân tộc...

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cơ sở vật chất các trường phổ thông DTNT so với các trường phổ thông cùng cấp học tại địa phương về cơ bản được trang bị khá đầy đủ như: Thiết bị thực hành thí nghiệm, dụng cụ hỗ trợ giảng dạy, đồ dùng dạy học... Hệ thống nhà ở nội trú đa số được đầu tư xây dựng kiên cố, bảo đảm an toàn, tiện lợi cho việc sinh hoạt và học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông DTNT không ngừng được nâng lên, luôn đạt mức ngang bằng hoặc cao hơn so với chất lượng các trường phổ thông cùng cấp đóng trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh các trường DTNT thi đỗ tốt nghiệp luôn đạt 95-98%, đỗ thẳng vào các trường cao đẳng, đại học trung bình trong 5 năm (2012-2107) là 32%; trong đó, có những trường đạt 70-90%.

Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm UBDT Y Thông đồng chủ trì Hội nghị Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc  Y Thông đồng chủ trì Hội nghị.

Những tồn tại cần khắc phục

Tuy nhiên, giai đoạn 2018-2018, hệ thống các trường phổ thông DTNT cũng còn những hạn chế nhất định. Đó là: Mạng lưới và quy mô trường phổ thông DTNT phát triển không đồng đều theo phân bố của người DTTS trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương thực hiện theo chỉ tiêu tuyển sinh được giao hàng năm mà chưa tính đến yếu tố như quy hoạch, nhân lực, nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Việc thành lập các trường phổ thông DTNT liên cấp ở một số địa phương chưa có sự chuẩn bị tốt về điều kiện phục vụ, nuôi dạy...

Số học sinh tốt nghiệp từ cấp THCS lên cấp THPT trong trường phổ thông DTNT còn thấp (số học sinh tốt nghiệp lớp 9 được vào lớp 10 chiếm 15,6%), từ đó gây lãng phí trong đào tạo cả về nguồn lực kinh tế, cũng như tạo nguồn cán bộ DTTS. Hiện nay, học sinh nội trú được hưởng 80% mức lương tối thiểu, với mức hỗ trợ này không bảo đảm cho việc nuôi dạy học sinh ăn, ở và sinh hoạt tại trường trong một năm học nếu không có sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng....

 

Cơ sở vật chất, điều kiện học tập của con em đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm đầu tư Cơ sở vật chất, điều kiện học tập của con em đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những kết quả mà hệ thống các trường phổ thông DTNT trong cả nước đã đạt được thời gian qua. Bộ trưởng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục quan tâm đến sự nghiệp giáo dục cho con em đồng bào DTTS. Hệ thống các trường phổ thông DTNT thực sự là vườn ươm tài năng cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số; là nơi đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho bộ máy cấp ủy chính quyền cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng nêu rõ, thời gian tới cần tiếp tục rà soát hệ thống các trường phổ thông DTNT; lựa chọn các trường tiêu biểu để xây dựng thành các trường chất lượng cao. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các trường DTNT vùng, mở rộng mô hình giáo dục hòa nhập...

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương và sẽ  báo cáo Chính phủ để có những cơ chế chính sách phù hợp tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công tác dạy và học cho các trường phổ thông DTNT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho con em đồng bào các DTTS.

TRỌNG BẢO