Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hiểm họa khôn lường từ việc xuất cảnh trái phép

Quỳnh Trâm - 18:56, 26/12/2021

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhiều thanh niên ở miền núi Thanh Hóa nghe lời dụ dỗ của các đối tượng buôn người, xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động chui. Và rồi, họ đã phải chịu bao điều rủi ro, hiểm họa khôn lường mà không được cứu giúp.

L.V.K trú xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, sau 2 năm bị giam giữ ở Trung Quốc mới được trao trả về Việt Nam
L.V.K trú xã Tân Thành, huyện Thường Xuân, sau 2 năm bị giam giữ ở Trung Quốc mới được trao trả về Việt Nam

Ám ảnh những ngày tháng trên đất khách 

Huyện Thường Xuân có đông đồng bào DTTS sinh sống (nhiều nhất là người Thái, Mường), điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm qua, hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) được đẩy mạnh, nhiều người đi XKLĐ sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã mang lại thu nhập cao, giúp gia đình thoát nghèo.

Tuy nhiên những thị trường này, yêu cầu lao động chất lượng cao, chi phí xuất cảnh cũng đắt hơn. Do đó, nhiều thanh niên tìm hướng xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc để lao động chui. Chính từ những hoạt động này, đã để lại những hệ lụy, tiềm ẩn nguy hiểm mà người lao động không dự liệu trước được.

Như trường hợp anh L.V.K (SN 1994), trú xã Tân Thành, huyện Thường Xuân. Sau 2 năm bị giam giữ ở Trung Quốc, anh K. mới được trao trả về Việt Nam hồi tháng 3/2021. Trở về quê nhà, anh K. vẫn chưa hết bàng hoàng, khi nhớ lại những tháng ngày khó khăn đã trải qua trên đất khách.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại không có trình độ bằng cấp gì, K. không tìm được công việc ổn định. Trong lúc đang loay hoay tìm lối mưu sinh, thì K. được một người quen qua mạng xã hội rủ rê sang Trung Quốc làm thuê, với lời hứa hẹn thu nhập cao. Không hề suy tính đắn đo, K. rủ thêm 4 người bạn cùng làng khăn gói lên đường. 

Đó là vào tháng 2/2019. Họ đi xe ô tô khách đến biên giới Lạng Sơn, gặp người đàn ông đã quen qua mạng. Người này dẫn nhóm của K. đi xuyên đêm. Sau nhiều giờ đi bộ băng rừng, trèo đèo lội suối, họ đến địa phận Trung Quốc lúc trời gần sáng.

Nhóm của K. được đưa lên xe ô tô đi sâu vào trong nội địa. Khi xe đang di chuyển trên đường, thì bị cơ quan chức năng nước sở tại chặn lại. Do không có giấy tờ tùy thân, giấy phép nhập cảnh, nên anh K. cùng số người trên xe bị bắt đưa đi giam giữ.

Không lường trước được tình huống này, K. và nhóm bạn vô cùng hoảng loạn. “Chúng tôi không biết tiếng Trung, càng không có cách nào liên lạc về với gia đình. Lúc đó chỉ cầu mong may mắn sống sót để trở về thôi”, K. nhớ lại.

Nhóm của K. bị đưa đi giam giữ ở 4 trại giam khác nhau từ tháng 2/2019 đến tháng 3/2021. “Chúng tôi bị giam giữ và phải lao động cải tạo trong những trại giam như các tù nhân khác, không được liên lạc với gia đình, rất khổ sở”, anh K. nói.

Ở quê nhà, gia đình K. tìm kiếm thông tin suốt thời gian đó nhưng không có kết quả, cho đến ngày anh K được nước bạn trao trả.

Cùng chuyến đi với K. thời điểm đó có chị H.T.T. (SN 1994), cũng là một trong số những người vừa được Trung Quốc trao trả về nước, sau 2 năm giam giữ ở xứ người.

Chị T. cho biết, xuất cảnh chui không những không tìm được việc làm mà còn bị bắt giam, khiến chị khủng hoảng tinh thần và gia đình thì lo lắng tìm kiếm tin tức của con. Chị thấy may mắn khi vẫn còn có thể trở về nhà. “Giờ đây tôi không nghĩ đến việc xuất cảnh trái phép nữa. Nếu có đi XKLĐ, thì tôi cũng sẽ chọn con đường hợp pháp, được Nhà nước bảo hộ”, chị bày tỏ.

Hay như trường hợp Hà Văn T. (SN 2000), cùng ở xã Tân Thành. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng không đủ ăn, T. sớm bỏ học để phụ giúp gia đình. Vốn muốn đi XKLĐ để thoát nghèo, nhưng gia đình khó khăn, T. không đủ kinh phí nên đành cùng nhóm trai làng lên đường sang Trung Quốc. T. ấp ủ giấc mơ đổi đời ở cường quốc láng giềng. Thế nhưng, những rủi ro gặp phải trong chuyến đi đã khiến thanh niên này hoàn toàn vỡ mộng.

“Lúc đó em chỉ mong sao giữ được mạng để trở về với bố mẹ. Nếu biết trước hiểm nguy như vậy không bao giờ em đi. Chỉ vì tin theo những lời hứa hão của người lạ mà em đã mắc sai lầm”, T. nói thêm, chờ hết dịch sẽ ra thành phố tìm việc, làm ở các khu công nghiệp vẫn an toàn hơn đi lao động chui.

Công an tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép
Công an tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép

Người dân cần tỉnh táo để không bị lôi kéo

Trung tá Lương Văn Xóa, Đội trưởng Đội An ninh, Công an huyện Thường Xuân cho biết, hiện trên địa bàn có khoảng 80 người xuất cảnh trái phép ra ngoài, trong đó có khoảng 40 người có thông tin đang lao động trái phép ở Trung Quốc. Số bị bắt trao trả về nước là khoảng 109 người.

Theo Trung tá Xóa, hầu hết số người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Trong khi đó, tại địa phương vẫn còn thiếu những giải pháp căn cơ để tạo việc làm, thu nhập cho người dân.

Thời gian qua, cơ quan Công an đã liên tục tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh trái phép. Đồng thời, xử lý phạt tiền 25 người có hành vi xuất nhập cảnh trái phép, xử lý hình sự 2 đối tượng có hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Trung tá Lương Văn Xóa chia sẻ, việc đi làm, kiếm tiền là nhu cầu hết sức chính đáng của người dân, nhất là những gia đình kinh tế khó khăn. Nhưng việc xuất cảnh trái phép là vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều hệ lụy rủi ro. Do vậy, mỗi người dân hãy tỉnh táo, không nghe theo sự lôi kéo của người khác, để phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. 

"Nếu công dân phát hiện những người có hành vi tổ chức, môi giới, dẫn dắt đưa người xuất cảnh trái phép, thì cần tố cáo với cơ quan chức năng, để xử lý theo quy định của pháp luật”, Trung tá Lương Văn Xóa đề xuất.

Tin cùng chuyên mục
Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Bắc Kạn đẩy mạnh Trợ giúp pháp lý cho đồng bào DTTS

Thực hiện Tiểu Dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Bắc Kạn phối hợp với UBND các xã đẩy mạnh hoạt động TGPL trong đồng bào DTTS.