Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Khánh Hòa: Tạo nền tảng cho phát triển bền vững (Bài 1)

Lê Phương - 18:51, 27/03/2022

Đến các địa phương miền núi ở Khánh Hòa bây giờ, thay đổi dễ nhận thấy nhất là nhà ở của người dân ngày càng khang trang hơn. Giữa bạt ngàn những vùng cây ăn trái nơi miền non cao, là những căn nhà bề thế, trong đó có không ít nhà của các hộ đồng bào DTTS đã được xây dựng sau những vụ mùa bội thu. Có được điều này là nhờ người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để đạt kết quả cao.

Cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư được đầu đầu tư bài bản, khang trang, thuận lợi cho đời sống của người dân
Cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư được đầu tư bài bản, khang trang, thuận lợi cho đời sống của người dân

Thay đổi nhận thức, tự thân vươn lên làm giàu

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 35 DTTS sinh sống với trên 72.000 người, chiếm 5,8% dân số toàn tỉnh, trong đó dân tộc Raglay chiếm trên 77%. Phần lớn người dân cư trú tại 2 huyện miền núi: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và một số xã miền núi thuộc các huyện: Cam Lâm, Diên Khánh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh. Toàn tỉnh có 28 xã thuộc vùng DTTS và miền núi, gồm: 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I và 10 thôn đặc biệt khó khăn. Số hộ nghèo đồng bào DTTS là 5.979 hộ, chiếm 58,9% số hộ nghèo toàn tỉnh.

Nhân chuyến công tác về các huyện vùng cao Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ trò chuyện với một số hộ đồng bào DTTS tự thân vươn lên thoát nghèo và đang trở thành những triệu phú vùng cao. Làm việc với chính quyền cơ sở, đã vỡ thêm được nhiều điều về những suy nghĩ, trăn trở của các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy đời sống, tăng thu nhập của người dân. Trong đó, nhiều lần các cán bộ, lãnh đạo luôn nhấn mạnh quan điểm, hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, làm giàu quan trọng nhất là, phải giúp đồng bào bào thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, thay đổi cả nhận thức không trông chờ, ỷ lại thì mới bền vững.

Từ thực tế những năm qua cho thấy, có rất nhiều hộ đồng bào DTTS ở địa phương trở thành triệu phú nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Như hộ ông Cao Đảm ở xóm Cỏ, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn. 

Trước đây, gia đình ông Đảm thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ của chính quyền, gia đình ông đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mì (sắn), bắp sang trồng sầu riêng đạt hiệu quả cao.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, ông Đảm nhớ lại: "Cách đây chừng 16 - 17 năm, gia đình tôi chỉ trồng mì, bắp, quẩn quanh lo cái ăn, cái mặc chưa đủ, không thoát được nghèo. Cuộc sống của gia đình bắt đầu thay đổi khi cây sầu riêng bén rễ ở xóm Cỏ này. Tôi tham gia tập huấn, học hỏi kinh nghiệm, rồi mạnh dạn đăng ký trồng thử. Hiện nay, gia đình tôi đã gây dựng được vườn sầu riêng hơn 2ha, mỗi năm thu không dưới 500 triệu đồng".

Còn tại xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, hộ gia đình Mấu Văn Đức được biết đến là một người trẻ tuổi, chịu khó làm ăn, trồng keo, trồng bưởi mà xây được nhà to.

Bên ly trà mời khách, anh Đức tâm sự: Trước đây, vợ chồng mình nghèo lắm. Để có cái ăn, cái mặc, vợ chồng lúc làm công nhân trong Khu công nghiệp Suối Dầu, khi làm công cho các nhà vườn trồng bưởi ở Khánh Vĩnh. Biết Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tặng cây giống cho người dân xã Khánh Phú, mình đã đăng ký và được hỗ trợ trồng 150 gốc bưởi da xanh trên diện tích 0,6ha. Từng làm công, chăm sóc bưởi ở các nhà vườn, rồi tham gia các lớp tập huấn nên anh Đức đã học được kiến thức để chăm cây phát triển tốt. 

"Hiện nay, cây bưởi đã cho thu hoạch. Ngoài bưởi, nhà mình còn có 1,5ha keo, rồi chăn nuôi bò, heo nữa, tính ra mỗi năm cũng thu được hơn 200 triệu đồng. Mình dự định mỗi năm sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi để chuyển dần từ keo sang bưởi, rồi đầu tư thêm đường ống tưới tiết kiệm nước trong vườn".

Ông Mấu Văn Phi, Bí thư Huyện ủy Khánh Vĩnh chia sẻ: Tuy đã có nhiều hộ đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ chưa muốn thoát nghèo do tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Địa phương đang tìm cách thúc đẩy, khơi dậy ý chí quyết tâm thoát nghèo của người dân, nghiên cứu tạo thêm các chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là đối với các xã nghèo, vùng nghèo và hộ nghèo.

Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều người đồng bào DTTS ở Khánh Sơn trở thành triệu phú nhờ sầu riêng
Nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều người đồng bào DTTS ở Khánh Sơn trở thành triệu phú nhờ sầu riêng

An cư cho đồng bào

Sau nhiều năm sinh sống chật vật ở phía Đông đỉnh đèo Khánh Sơn, không có nơi ở ổn định, không có đất sản xuất, năm nay là năm thứ 3, ông Cao Nhiền cùng 30 hộ dân khác được định cư tại Khu tái định cư (TĐC) Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn). Cuộc sống hiện giờ khá giả hơn xưa rất nhiều.

Ông Cao Nhiền tâm sự: "Ơn Đảng, ơn Nhà nước, nhà mình mới có cuộc sống mới ổn định như hôm nay. 3 năm ở Khu TĐC Dốc Trầu, gia đình mình ở nhà xây, có điện, có nước sinh hoạt, trẻ con được đi học, hộ nào cũng được cấp 1ha đất để sản xuất chỉ cách nơi ở 800 - 900 m nên thuận lợi”.

Tương tự, cuộc sống của nhiều hộ đồng bào DTTS ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh) đã ổn định hơn nhiều kể từ khi rời những khu vực ven sông, suối, triền đồi, núi có nguy cơ sạt lở cao ở các thôn Bố Lang, Giang Biên để chuyển về làng mới là Khu TĐC Bố Lang.

Ông Phạm Ngọc Hữu, Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: Khu TĐC Bố Lang có diện tích 7,5ha, đã được đầu tư hạ tầng khang trang với nhà ở, điện, đường, nước sạch phục vụ cuộc sống của người dân. Từ năm 2017, toàn bộ 142 hộ dân đã chuyển đến đây sinh sống ổn định. 

Những năm qua, địa phương đã tập trung hỗ trợ đất sản xuất, triển khai hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo, qua đó đã từng bước giảm được hộ nghèo ở khu vực này. Trong đó, cuộc sống của 84 hộ đồng bào DTTS ở Khu TĐC Gia Lợi (xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh) đã dần ổn định. Nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững kể từ khi chuyển về sinh sống tại khu TĐC này.

Diện mạo miền núi ngày càng đổi thay và phát triển 

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trong tỉnh đều có đường ô tô đến trung tâm xã. Các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn. 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, thông tin liên lạc thông suốt.

Đời sống đồng bào DTTS đã thay đổi từng ngày. Người ốm được chữa bệnh ở cơ sở y tế. Trẻ em lớn lên được đến trường. Đến mùa thu hoạch, xe đến tận rẫy chở nông, lâm sản đi tiêu thụ vì đường vào khu sản xuất đã được đổ bê tông. Nhà nào cũng sắm được xe máy, có điện để xem ti vi, nghe đài, xài tủ lạnh.

Theo ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa: giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí hơn 143,2 tỷ đồng để đầu tư trực tiếp cho Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình 135 hơn 73 tỷ đồng, Chương trình xây dựng NTM gần 152 tỷ đồng; vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 45 tỷ đồng và vốn huy động khác hơn 3,7 tỷ đồng để đầu tư phát triển KT-XH cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, diện mạo vùng đồng bào DTTS, khu vực nông thôn miền núi trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn trước.

Mặc dù tỉnh Khánh Hòa đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển vùng DTTS và nông thôn miền núi. Tuy nhiên, chênh lệch giữa miền núi và miền xuôi vẫn còn khá xa. Đời sống của đồng bào DTTS vẫn gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục được quan tâm đầu tư và hỗ trợ để đồng bào DTTS thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Bài 2: Hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Khánh Hòa: Kỳ vọng đưa miền núi tiến kịp miền xuôi