Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hiệu quả Chương trình 135 ở Tam Đảo

PV - 10:35, 22/07/2019

Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm là cách làm của huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) trong việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020.

Người dân được hỗ trợ con giống để phát triển sản xuất. Người dân được hỗ trợ con giống để phát triển sản xuất.

Ông Lê Kim Trọng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tam Đảo cho biết: Để triển khai hiệu quả Chương trình 135 trên địa bàn, huyện Tam Đảo đã chú trọng vào hai hợp phần là hỗ trợ sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng điểm. Các hợp phần của Chương trình được triển khai dựa trên cơ sở ý kiến của đại đa số người dân địa phương thông qua các cuộc họp dân. Người dân được tham gia ý kiến trong các cuộc họp lập kế hoạch, tham gia xây dựng và giám sát trong quá trình tổ chức thực hiện.

Về hợp phần hỗ trợ sản xuất, sau 3 năm tập trung triển khai huyện đã thực hiện phương án hỗ trợ sản xuất như: Hỗ trợ thóc giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật sản xuất cho 940 người dân ở 6 thôn của 2 xã Yên Dương và Đạo Trù với tổng kinh phí 450 triệu đồng. Nhờ được tập huấn kiến thức về phát triển sản xuất và hỗ trợ cây, con giống nên người dân trên địa bàn xã đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình đã trồng rừng, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, tạo thành các mô hình kinh tế trang trại. Có nhiều hộ phát triển sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Điển hình như gia đình anh Lương Man, sinh năm 1971, dân tộc Sán Dìu ở thôn Phân Lân Thượng, xã Đạo Trù. Nhờ được tập huấn, hỗ trợ cây, con giống nên anh Man đã mạnh dạn mở hướng phát triển kinh tế theo mô hình trang trại trồng cây ăn quả gắn với chăn nuôi gà và nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Hiện gia đình tôi có 2ha đất trồng cây ăn quả như: mít Thái, bưởi Diễn, kết hợp với nuôi gà thả vườn, nuôi cá lồng. Nhờ áp dụng những kiến thức đã được tập huấn từ Chương trình 135 vào nuôi trồng nên mô hình trang trại của tôi đã cho thu nhập mỗi năm khoảng 150-200 triệu đồng”, anh Man cho biết.

Trong năm 2007-2018 nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thôn ĐBKK của xã Đạo Trù và Yên Dương là 6 tỷ đồng tập trung vào công trình giao thông nông thôn, trường học và nhà văn hóa. Kết thúc năm 2018, 100% đường giao thông các thôn ĐBKK của 2 xã Đạo Trù và Yên Dương đã được bê tông hóa, giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, các trường học cơ bản được kiên cố hoá.

Ông Lý Văn Bình, Trưởng thôn Tiên Long, xã Đạo Trù cho biết: Thôn Tiên Long là thôn ĐBKK và cách xa nhất của xã Đạo Trù. Trước đây đường sá chưa được đầu tư xây dựng nên bà con đi lại rất khó khăn. Cuối năm 2018 nhờ sự đầu tư nguồn vốn của Chương trình 135, nên giao thông đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế, giao thương, buôn bán hàng hóa cho bà con trong thôn.

Đánh giá về hiệu quả thiết thực trong quá trình triển khai Chương trình 135, ông Nguyễn Hồng Hiệp, quyền Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết: Nhờ được hưởng lợi từ các chương trình, dự án, trong đó có Chương trình 135, nên chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 8,4% năm 2016 xuống còn 4,63% vào cuối năm 2018. Có được kết quả này cũng là nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương kết hợp sự kiểm tra, giám sát của người dân trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án, cũng như sự cố gắng của người dân trong việc quyết tâm xóa nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

THÚY HỒNG

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.