Từ nhu cầu thực tế phát triển kinh tế, đồng bào Xã Hoà Hiệp, huyện Tâm Bình đã cùng nhau tham gia học lớp học “kỹ thuật chăn nuôi gia cầm” do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp cấp ủy, chính quyền và đoàn thể tổ chức.
Chị Lê Thị Yến Nhung, học viên khoá đầu tiên chia sẻ: gia đình chị nuôi gà chọi thả vườn, bán thịt. Lúc mới nuôi thuận lợi lắm vì loại giống gà chọi rất khỏe, dễ nuôi. Tuy nhiên, được vài lứa đàn gà thường xuyên bị bệnh, rồi chết. Sau khi tham gia học lớp chăn nuôi chị mới biết cách chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại như thế nào cho phù hợp với thời tiết và phòng tránh được dịch bệnh cho gà theo mùa.
“Tham gia lớp kỹ thuật nuôi gà tôi đã có được các kiến thức để có thể chăn nuôi bài bản hơn. Hiện nay, mỗi ngày gia đình tôi bán được từ 10–20 con gà nên cũng có thu nhập.”, chị Nhung cho biết.
Cùng xóm có chị Nguyễn Thị Nga, gia đình không có nhiều đất để sản xuất, nên chị chọn nuôi gà để làm sinh kế cho gia đình. Chị chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ nuôi gà vừa đủ cho nhu cầu dùng trong gia đình. Sau khi tham gia học lớp chăn nuôi, gia đình tôi đã mở rộng chăn nuôi gà, vịt. Hiện nay, gà vịt bán rất đắt hàng, năm nay, các cháu vào năm học mới đã có tiền sẵn không phải chạy lo vay mượn như mọi khi”.
Cùng với những lớp học phổ biến kiến thức chăn nuôi gia cầm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên của huyện cũng tổ chức các lớp học nghề chăn nuôi đại gia súc theo nhu cầu của người dân.
Từng được tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi do huyện phối hợp với các đơn vị chuyên ngành tổ chức, anh Thạch Bình dân tộc Khmer ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn còn được hỗ trợ con giống nuôi bò thịt, anh cho hay, gia đình anh và nhiều hộ khác được cán bộ dạy về kỹ thuật chăn nuôi, biết cách xử lý khi bò bệnh. Đặc biệt, được hướng dẫn xử lý phân bò trồng rau hữu cơ bán rất có giá, tăng thu nhập đáng kể, mà quan trọng nhất môi trường chăn nuôi luôn sạch, không có mùi hôi...
Trao đổi về công tác đào tạo nghề, ông Trần Văn Tám, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Tam Bình cho biết: 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 45 lớp dạy nghề cho LĐNT, với 917 học viên theo học (đạt 114,62%), vượt so chỉ tiêu 800 học viên. Trung tâm luôn đa dạng ngành nghề để mở và đảm bảo sao cho phù hợp nhu cầu, nguyện vọng của LĐNT.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, để góp phần giúp các địa phương và nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, ngành Nông nghiệp đã tập trung hỗ trợ chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giúp nông dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS thực hiện chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng trên cơ sở phù hợp điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, trình độ canh tác và đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, thời gian qua nhiều hộ gia đình dân tộc Khmer tham gia các lớp dạy nghề. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp được bà con áp dụng khoa học-kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và đang được nhân rộng...
NHƯ TÂM