Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế trong đồng bào dân tộc Khmer

Nhật Minh - 06:21, 14/11/2023

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách dân tộc thiết thực, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt khó... nhiều nông dân người Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tạo ra các mô hình phát triển kinh tế bền vững, mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.

Ông Kim Hên là tấm gương “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” tại tỉnh Sóc Trăng
Ông Kim Hên là tấm gương “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” tại tỉnh Sóc Trăng

Đến xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, nhắc đến ông Kim Hên thì không ai là không biết. Bởi từ lâu ông đã trở thành một tấm gương làm kinh tế giỏi không chỉ tại địa phương mà cả tỉnh Sóc Trăng.

Ông Kim Hên, 71 tuổi, là người dân tộc Khmer ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn. Sinh ra và lớn lên ở miền quê kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, ông Kim Hên không ngừng học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không những thế, ông còn tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, ông đã làm chủ mô hình sản xuất 16,5 ha lúa chất lượng cao. Ông còn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp, máy cày làm dịch vụ cho nông dân, kết hợp chăn nuôi heo. Ông Kim Hên chia sẻ, hiện nay tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông khoảng hơn 5 tỷ đồng. Cũng nhờ mô hình này, gia đình ông đã giải quyết việc làm cho 22 lao động tại địa phương.

Không dừng lại ở đó, ông Kim Hên còn tích cực tham gia đóng góp làm công tác từ thiện xã hội, xây dựng phum, sóc (cụm dân cư) với số tiền ủng hộ hàng trăm triệu đồng.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng mô hình sản xuất, ông Kim Hên là tấm gương “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” tại tỉnh Sóc Trăng, góp phần đa dạng hoá, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn, tạo nên diện mạo mới trong nền sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Đồng bào Khmer ở Lạc Hòa (thị trấn Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có thêm thu nhập từ trồng hành tím
Đồng bào Khmer ở Lạc Hòa (thị trấn Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có thêm thu nhập từ trồng hành tím

Cũng xuất thân từ gia đình nông dân người Khmer như ông Kim Hên, anh Trương Phú Vinh sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn ấp Bưng Trop A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, sống chủ yếu dựa vào nghề nông. Từ lâu anh Vinh đã ấp ủ ước mơ thoát khỏi nghèo khó từ chính mảnh đất quê hương. Vì thế, anh luôn cố gắng lao động, không ngừng học hỏi, sáng tạo.

Anh Vinh tâm sự, lúc đó anh nghĩ muốn vươn lên thoát nghèo, thì không có cách nào khác là phải đổi mới cách làm ăn, không thể độc canh cây lúa, mà phải kết hợp phát triển đa dạng các loại hình sản xuất trong nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, vợ chồng anh đã mạnh dạn đổi mới, da dạng phương thức, loại hình sản xuất. Anh tăng sản xuất lúa từ 2 vụ lên 3 vụ/năm, tùy vào điều kiện thời tiết và tình hình thực tế của địa phương mà áp dụng tăng thời vụ cho phù hợp. Có được tiền lời từ trồng lúa, anh tiếp tục đầu tư mua đất. Đến nay, vợ chồng anh đã có hơn 100 công đất, trở thành gia đình làm nông thành đạt tại địa phương.

Anh Trương Phú Vinh (áo xanh) giới thiệu về cánh đồng lúa của gia đình
Anh Trương Phú Vinh (áo xanh) giới thiệu về cánh đồng lúa của gia đình

Bên cạnh đó, anh luôn tìm tòi, học hỏi về kỹ thuật sản xuất, áp dụng giống lúa mới, tham gia các lớp về khuyến nông để trang bị thêm kiến thức. Hiện nay, dù đã sở hữu gần trăm công ruộng nhưng anh Trương Phú Vinh vẫn tiếp tục nghiên cứu, phát triển nhiều mô hình sản xuất để làm giàu hơn nữa. Anh còn đầu tư mua sắm máy móc nông nghiệp như máy cày, máy xới để phát triển dịch vụ. Với mô hình sản xuất đa dạng đã giúp vợ chồng anh thu về hàng trăm triệu mỗi năm.

Khi đã thành công, anh Vinh tích cực tham gia công tác Hội Nông dân, các đoàn thể ở địa phương, nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất lúa để mọi người học hỏi, cùng vươn lên.

Ông Lý RoTha, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh Sóc Trăng có trên 35,4% dân số là người DTTS, trong đó dân tộc Khmer chiếm gần 30,2%. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc. Thực hiện Chương trình, Sóc Trăng đã tập trung triển khai các tiểu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng đồng bào, phát triển giáo dục, hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế… 

Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào DTTS đúng đối tượng và theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, Sóc Trăng đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, với số tiền 45,6 tỷ đồng. Các hộ DTTS được thụ hưởng đều phát huy hiệu quả tích cực trong phục vụ sản xuất, từ đó tăng thêm thu nhập và từng bước thoát nghèo bền vững.

Theo lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng, công tác triển khai các chính sách dân tộc luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự điều hành quyết liệt UBND tỉnh. Đồng bào DTTS rất đồng thuận và phấn khởi về chủ trương triển khai Chương trình. Sóc Trăng đã hỗ trợ đất ở cho 338 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ, triển khai xây dựng 113 công trình trong vùng đồng bào DTTS… Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer hằng năm giảm trên 4,5%.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.