Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hiệu quả từ chính sách đặc thù

Minh Thu - 17:28, 15/09/2021

Với nguồn lực từ các Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ (Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020), Quyết định 2086 (Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025), bức tranh về đời sống, KT-XH vùng DTTS và miền núi có bước phát triển. Đặc biệt, đồng bào DTTS rất ít người đã có thêm cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa.

Lễ hội “Mở cửa kho lúa” của đồng bào Rơ Măm ở Kon Tum
Lễ hội “Mở cửa kho lúa” của đồng bào Rơ Măm ở Kon Tum

Kinh tế phát triển, văn hóa được bảo tồn

Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) trước đây là vùng đất nghèo khó, với 149 hộ dân. Do xuất phát điểm thấp, giao thông không thuận lợi, đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn. Đến năm 2018, làng còn 44 hộ nghèo.

Từ khi triển khai Quyết định 2086 (năm 2018), làng Le được đầu tư đường giao thông, kết cấu hạ tầng, nước sinh hoạt. Đồng bào Rơ Măm được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật làm lúa nước hai vụ, trồng các loại cây công nghiệp như cao su, bời lời. Nhờ đó, số hộ nghèo giảm từ 44 hộ (năm 2018) xuống còn 27 hộ (cuối năm 2020).

Đời sống kinh tế phát triển, người dân Làng Le quan tâm nhiều hơn đến các giá trị văn hóa truyền thống. Theo Già làng A Blong, với sự quan tâm đầu tư của ngành Văn hóa, cơ quan công tác dân tộc, hiện Làng Le bảo tồn và gìn giữ được 34 bộ cồng chiêng; duy trì được các lễ hội như: “thổi tai”, “phát rẫy”, “trỉa lúa”, “mở cửa kho lúa”…; lưu giữ và phát huy được các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như cồng - chiêng, múa xoang, hát ru, hát giao duyên, sử thi và các nghề truyền thống như đan lát nông cụ, vật dụng sinh hoạt, dệt thổ cẩm.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, thực hiện Quyết định 2086, tính riêng trong 2 năm (2019 - 2020), Ban Dân tộc tỉnh đã tập trung hỗ trợ cho 2 dân tộc Brâu và Rơ Măm trên địa bàn tỉnh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các thôn, làng như xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, sửa chữa nhà rông. 

Ban cũng hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực, trình độ sản xuất; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc; đẩy mạnh giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội… với tổng nguồn vốn trên 32 tỷ đồng.

Nguồn lực từ các Quyết định 2085, 2086 đã thổi luồng gió mới đến các thôn bản vùng ĐBKK
Nguồn lực từ các Quyết định 2085, 2086 đã thổi luồng gió mới đến các thôn bản vùng ĐBKK

“Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ, bảo tồn, phát triển dân tộc rất ít người theo Quyết định 2086, tỉnh Kon Tum đã đầu tư, hỗ trợ đồng bộ trên các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực. Đồng bào DTTS rất ít người đã từng bước tiếp cận, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi, giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hóa truyền thống...”, bà Phạm Thanh Phước, cán bộ Ban Dân tộc Kon Tum chia sẻ.

Tạo sinh kế bền vững

Từ nguồn kinh phí thuộc Quyết định 2085, năm 2020, gia đình anh Bùi Văn Chung ở xóm Đăm, xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) được hỗ trợ 50 con gà giống để phát triển sản xuất. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, đàn gà của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, đạt bình quân trên 2,5 kg/con.

“Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đã giúp gia đình tôi có được sinh kế, nhất là việc nắm bắt được kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế hiệu quả”, anh Chung bày tỏ.

Gia đình anh Chung là 1 trong số hơn 300 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đà Bắc được hỗ trợ sản xuất, từ nguồn kinh phí thuộc Quyết định 2085, trong năm 2020.

“Nguồn lực từ Quyết định 2085 đã giúp vùng đồng bào DTTS từng bước khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư khá đồng bộ, sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển, đời sống người dân được nâng cao. Đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 42,34% (năm 2017) xuống còn 29% (cuối năm 2020)”, bà Xa Thị Hoa, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc chia sẻ.

Đồng bào Lô Lô xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) bào tồn nghề dệt thổ cẩm từ nguồn hỗ trợ của Quyết định 2086
Đồng bào Lô Lô xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) bảo tồn nghề dệt thổ cẩm từ nguồn hỗ trợ của Quyết định 2086

Với nguồn lực hỗ trợ từ Quyết định 2085, nhiều khu vực đồng bào DTTS của tỉnh Hòa Bình được bố trí nơi ở ổn định, an toàn, có tư liệu sản xuất. 100%  hộ nghèo là DTTS đều được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng hàng hóa, từ đó nâng cao đời sống và thu nhập, góp phần hoàn thành cơ bản các mục tiêu của Quyết định 2085. Diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn trên 9%, số hộ cận nghèo còn hơn 20%.

Chuyện ở Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) hay ở xóm Đăm, xã Đồng Nghê, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đang là những minh chứng cho việc triển khai có hiệu quả các Quyết định hỗ trợ đặc thù của Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển kinh tế vùng DTTS và MN, các DTTS rất ít người.

 Không chỉ ở Hòa Bình, Kon Tum, hiện nay nhiều địa phương vùng DTTS đã và đang phát huy nguồn lực, triển khai có hiệu quả các mô hình, dự án; tiếp thêm sức mạnh cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, các DTTS rất ít người vượt khó đi lên; từng bước xóa bỏ hủ tục, chung sức chung lòng vươn lên thoát khỏi đói nghèo.