Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát triển các DTTS rất ít người: Hiệu quả từ những chính sách đặc thù

Hà Anh - 09:27, 01/05/2021

Nước ta hiện có 16 DTTS rất ít người (có số dân dưới 10.000 người). Các dân tộc này hầu hết cư trú tại những địa bàn khó khăn thuộc lõi nghèo của cả nước. Cùng với những chính sách chung, những năm qua Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù, quan trọng để đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – giáo dục… nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các DTTS rất ít người có điều kiện vươn lên.

Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cống được quan tâm bảo tồn và phát triển. Ảnh Hà Dũng
Bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Cống được quan tâm bảo tồn và phát triển. Ảnh Hà Dũng

Từ yêu cầu cấp bách

Với điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chất lượng dân số thấp… các DTTS rất ít người luôn bị tụt hậu trong việc tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2 - 4 lần so với các dân tộc khác.

Đơn cử như dân tộc Mảng, sinh sống tập trung ở một số huyện 30a như Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn… trên địa bàn tỉnh Lai Châu, hiện đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn. Ghi nhận tại bản Nậm Củm, xã Bum Nưa, nơi chỉ cách trung tâm huyện Mường Tè (Lai Châu) chưa đầy 10km. Dù giao thông đi lại thuận tiện, nhưng nếu như năm 2010, cả bản có 30 hộ đồng bào dân tộc Mảng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo là tuyệt đối với 100%. Sau hơn 10 năm, tới nay số hộ của bản tăng lên 39, song vẫn còn tới 28 hộ nghèo, hằng năm phải thường xuyên nhận trợ cấp gạo cứu đói của Chính phủ.

Trong khi đó, theo số liệu của Phòng Dân tộc huyện Mường Tè, toàn huyện có 235 hộ, với 1.210 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mảng, chiếm 2,58% dân số toàn huyện. Nhưng đến thời điểm này, số hộ nghèo dân tộc Mảng vẫn là 153 hộ, với 766 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ hơn 64,47%; riêng ở bản Nậm Củm, tỷ lệ hộ nghèo là hơn 71,79% (28/39 hộ)…

Cùng với nghèo đói, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã góp phần đẩy cao tỷ lệ suy dinh dưỡng từ trong bụng mẹ, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp các gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi, giảm chất lượng nguồn nhân lực. Theo thống kê, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống còn khá phổ biến, tỷ lệ tảo hôn lên tới 26%. Cá biệt, một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao như Ơ Đu 72,73%, Rơ Măm và Brâu 50%...

Đối mặt với những vấn đề cấp bách đó, các dân tộc này có nguy cơ ngày càng tụt hậu trong quá trình phát triển; mai một bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, suy thoái chất lượng dân số... Do đó, việc bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người là yêu cầu cấp bách.

Đến hiệu quả từ những chính sách đặc thù

Để tạo điều kiện tốt nhất cho đồng bào các DTTS rất ít người phát triển, Đảng, Nhà nước đã có không ít chính sách đặc thù, quan trọng để đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - giáo dục - y tế...

Theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2016 - 2020, chính sách đối với DTTS rất ít người tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm. Trong đó, phải kể tới các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đặc thù cho các DTTS rất ít người đã được Chính phủ ban hành và triển khai trong nhiều năm qua, như: Đề án Phát triển giáo dục đối với các DTTS rất ít người giai đoạn 2010 - 2015; Nghị định Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người; Quyết định Phê duyệt Đề án “Phát triển KT-XH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Quyết định Phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu hướng dẫn đồng bào La Hủ kỹ thuật chăn nuôi bò. Ảnh Phạm Kiên
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu hướng dẫn đồng bào La Hủ kỹ thuật chăn nuôi bò. Ảnh Phạm Kiên

Theo đó, nhóm các chương trình, chính sách đặc thù này đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, góp phần ổn định KT-XH, tạo chuyển biến quan trọng, nâng cao chất lượng sống cho đồng bào các DTTS rất ít người.

Ghi nhận tại cộng đồng dân tộc Cờ Lao thôn Xà Ván, xã Phú Lũng, huyện Yên Minh (Hà Giang), nơi có 19 hộ với trên 100 nhân khẩu cho thấy, từ việc thực hiện Đề án phát triển KT-XH vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao của Chính phủ cùng với nhiều chương trình, chính sách khác, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, 100% hộ dân Cờ Lao ở Phú Lũng có nhà kiên cố hoặc bán kiên cố và được sử dụng điện lưới, nước sinh hoạt hợp vệ sinh; được tiếp cận thông tin, văn hóa… hầu hết các hộ thoát nghèo, dần vươn lên khá, giàu.

Hay như đối với cộng đồng dân tộc Rơ Măm, một trong những DTTS rất ít người của nước ta, sinh sống tập trung, duy nhất tại thôn Làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Trước năm 1975, cả cộng đồng người Rơ Măm chỉ có 159 nhân khẩu thuộc 26 hộ. Đến nay, với các chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện của Đảng, Nhà nước, đồng bào Rơ Măm ở thôn Làng Le đã có 186 hộ, với 685 nhân khẩu. Cùng với đó, kinh tế, giáo dục được quan tâm đầu tư phát triển, văn hóa truyền thống đang từng bước được phục dựng, bảo tồn hiệu quả…

Đồng thời, cùng với những chính sách đặc thù riêng biệt, trong những năm qua, Nhà nước tiếp tục dành nguồn lực đầu tư, phát triển vùng DTTS thông qua các chương trình, dự án: Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 69 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao; chính sách định canh, định cư; Chương trình 135, Chương trình 134... Các chính sách này đã tạo động lực phát triển toàn diện cho đồng bào DTTS nói chung, đồng bào DTTS rất ít người nói riêng.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBDT cũng đã xây dựng Dự án số 9 dành riêng cho các DTTS rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Với Dự án này, mục tiêu đặt ra là tiếp tục xóa đói nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản, nơi sinh sống tập trung của đồng bào DTTS rất ít người…

Có thể khẳng định, bằng hệ thống chính sách phủ khắp các lĩnh vực nói trên, Đảng, Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm, đầu tư một cách bài bản, mạnh mẽ để các DTTS rất ít người ngày càng có điều kiện phát triển tốt nhất, không để ai bị bỏ lại phía sau.

16 DTTS rất ít người ở nước ta gồm Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Cống, Mảng, Bố Y, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, Lự, Pà Thẻn, Chứt, La Ha, La Hủ. Hiện nay, các dân tộc này đang sống rải rác tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, tập trung nhiều ở 93 xã của 12 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum.

Tin cùng chuyên mục
Tây Ninh: Đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển

Tây Ninh: Đồng bào các DTTS tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển

Ngày 10/12, tại Trung tâm Hội nghị nghị tỉnh, UBND tỉnh Tây Ninh long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Tây Ninh lần thứ IV, năm 2024, với chủ đề: “Các dân tộc đoàn kết, dân chủ, đổi mới sáng tạo, phát huy bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển”.
Đọc nhiều