Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát triển từ bệ đỡ chính sách

Hiếu Anh - 09:05, 15/02/2021

16 DTTS rất ít người ở Việt Nam sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa với những khó khăn đặc thù. Do đó để phát triển nhóm đồng bào dân tộc này, bên cạnh các chính sách dân tộc chung, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách riêng biệt. Những chính sách này thực sự trở thành bệ đỡ quan trọng giúp đồng bào phát triển một cách bền vững.

Người Ơ Đu dệt vải làm trang phục truyền thống.
Người Ơ Đu dệt vải làm trang phục truyền thống.

Nỗ lực phát triển dân số

Men theo lưng đèo quanh co với những khúc cua tay áo, chúng tôi tìm đến xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu) nơi có đông đồng bào La Hủ (1 trong 16 dân tộc rất ít người) sinh sống. Xe đi được nửa đường thì trời bỗng đổ cơn mưa rất to, trắng xóa cả một khoảng trời. Tôi lo lắng hỏi anh cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin huyện đi cùng “mưa thế này, liệu có vào được xã không?”. Anh trả lời là cứ yên tâm, đường vào xã bây giờ đã được trải nhựa nên mưa to thế này cũng không việc gì.

Đón đoàn chúng tôi hôm đó là bà Lò Phù Mé, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pa Vệ Sử. Bà Mé bảo, thời của bố mẹ bà sống ở tận vùng Ka Lăng, nơi giáp với biên giới Việt - Trung. Khi còn nhỏ bà vẫn được nghe bố mình là cụ Lò Me Xá kể về cuộc sống tăm tối trước đây. Ngày trước, người La Hủ thường tập trung thành 5 - 10 hộ rồi sống du canh, du cư. Họ chủ yếu sống bằng nghề săn bắn, bữa đói, bữa no, cuộc sống quá khắc khổ, dân số ngày càng giảm.

Mãi đến cuối những năm 60, nhờ được tuyên truyền, vận động cụ Xá mới đưa cả gia đình xuống định cư ở xã Pa Vệ Sử. Là người tiên phong, cụ Xá đã cùng cán bộ địa phương đi vận động người dân về xây dựng bản làng ở Pa Vệ Sử này. Giờ đây, nhờ được quan tâm, đầu tư của Nhà nước, người La Hủ đã không còn đói khổ nữa, họ đã có đường để đi, có cả điện thoại để gọi, nhiều nhà mua được ti vi, tủ lạnh…

Theo giới thiệu của Phó Bí thư xã, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phàn Lò Chóng và chị Giò Lo Mé ở bản Seo Thèn B. Hai vợ chồng trẻ này vừa sinh được người con thứ 2. Chị Mé vừa bế con vừa chia sẻ, khi chị sinh con đã được gia đình đưa xuống trạm xá để đẻ, ở đây chị được các y tá chăm sóc rất chu đáo, chị còn được Nhà nước cho tiền (1 triệu đồng).

Có thể nói, những năm qua, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, đồng bào dân tộc La Hủ đã ngày càng phát triển. Theo số liệu điều tra dân số ngày 1/3/1960, dân tộc La Hủ chỉ có 2.477 người. Hiện nay, dân số người La Hủ ở Lai Châu là hơn 10.000 người, chiếm khoảng 2,67% dân số của tỉnh Lai Châu, đứng hàng thứ 8 dân số toàn tỉnh.

Nghệ nhân người Si La truyền dạy cho thế hệ trẻ điệu dân vũ truyền thống.
Nghệ nhân người Si La truyền dạy cho thế hệ trẻ điệu dân vũ truyền thống.

Lấy cái chữ đẩy cái nghèo

Mới đây, trong buổi gặp mặt học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu dự Lễ Tuyên dương năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã hỏi các em 6 câu hỏi thật giản dị mà xúc động. Đó là, hôm nay, cháu nào lần đầu tiên tới Hà Nội? Cháu nào bố mẹ là nông dân? Cháu nào nhà thuộc diện hộ nghèo? Cháu nào thuộc diện mồ côi? Cháu nào còn biết nói tiếng dân tộc và cháu nào không học trong trường nội trú?

Trong không gian gần gũi và chân tình ấy, chúng tôi thấy nhiều em vội giấu những giọt nước mắt. Trong đó, có 1 cánh tay giơ đến 5 lần sau 6 câu hỏi của Bộ trưởng. Đó là Lý Chà Luyện, dân tộc Si La đến từ xã Kan Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu).

Luyện tâm sự, em sống ở vùng ĐBKK nơi vùng cao sát biên giới. Đã vậy, bản thân em lại gặp hoàn cảnh éo le. Năm em mới được 2 tuổi, bố em đã dính phải ma túy, mẹ em đành ôm em về sống ở nhà ngoại (bố em cũng đã mất cách đây 2 năm). Khi 6 tuổi, sáng Luyện đi học ở điểm trường, chiều lại theo mẹ đi hái măng rừng, sa nhân kiếm sống. Những tưởng từng ấy khó khăn em sẽ khó mà bước tiếp đến trường.

Nhưng thật may, dù học THCS, THPT cách nhà hơn 20km, không phải trường nội trú, nhưng vì thuộc dân tộc rất ít người nên em vẫn được hỗ trợ tiền ăn, ở và sinh hoạt phí. Nhờ vậy, mà em có thể học hết THCS, THPT. Và vừa rồi, em đã xuất sắc đỗ Đại học Giao thông vận tải. Vậy là từ Kan Hồ xa xôi, Lý Chà Luyện đã vượt hơn 500km, một quãng đường thật dài như chính sự nỗ lực của em để về Thủ đô tiếp tục sự nghiệp học tập.

Lý Chà Luyện là một ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả thực sự của những chính sách dành cho đồng bào DTTS rất ít người. Có thể nói, cùng với đồng bào La Hủ, Si La, các DTTS rất ít người khác cũng được chính quyền quan tâm chăm sóc thông qua nhiều đề án, chính sách. Tiêu biểu như Quyết định 1672 (giai đoạn 2005 - 2010; giai đoạn 2010 - 2015), quyết định 2086 (giai đoạn 2016 - 2025).

Mới đây nhất, ngày 10/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 499/QĐ-TTg (QĐ 499) phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và Phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 - 2030”. Theo Chương trình này, 16 DTTS rất ít người (Cống, Mảng, Pu Péo, Si La, Cờ Lao, Bố Y, La Ha, Ngái, Chứt, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Lô Lô, Lự, Pà Thẻn, La Hủ) sinh sống tập trung trên địa bàn 12 tỉnh, sẽ được thụ hưởng. Chương trình đặc biệt chú trọng tới vấn đề dân số và giáo dục.

Ông Ma Thế Luận, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang hoàn thiện khả thi Đề án phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế ĐBKK giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án Tổng thể).Trong Đề án này, chính sách đầu tư phát triển DTTS rất ít người tiếp tục được đưa vào trong tiểu dự án số 9. Theo đó, tiểu dự án sẽ tập trung vào những vấn đề bức thiết nhất mà đồng bào các DTTS rất ít người đang gặp phải, trong đó có vấn đề chất lượng dân số và giáo dục, vấn đề phát triển kinh tế hạ tầng, văn hóa... Việc triển khai tiểu đề án trong thời gian tới hy vọng sẽ trở thành bệ đỡ để các DTTS rất ít người phát triển một cách bền vững./.