Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bố Trạch

Quỳnh Chi - 09:41, 04/04/2020

Thực hiện Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, thủy sản, giai đoạn 2016 - 2020, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã xuất hiện nhiều mô hình mới có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Nông dân huyện Bố Trạch thu hoạch ngô sinh khối.
Nông dân huyện Bố Trạch thu hoạch ngô sinh khối

Nam Trạch là xã có diện tích trồng ngô sinh khối lớn nhất huyện Bố Trạch, mỗi năm gieo trồng hơn 100ha. Từ vụ Đông - Xuân 2016 - 2017 đến nay, xã sử dụng giống ngô NK4300 và NK7328 là giống chủ lực. Trong đó, giống ngô sinh khối NK7328 thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, cho năng suất sinh khối lớn, trung bình từ 45 - 50 tấn/ha.

Ông Trần Công An, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “1 sào trồng ngô sinh khối, trừ chi phí đầu vào, phân bón, nông dân đang thu lãi khoảng 1 triệu đồng, tương đương nếu trồng 1ha, lãi khoảng 25 - 27 triệu đồng/vụ”.

Xã Nam Trạch lấy cây ngô làm cây chủ lực, thì ở xã Hòa Trạch lại phát triển cây ăn quả; xã Lâm Trạch trồng ớt; xã Lý Trạch phát triển hoa và cây ăn quả… Đặc biệt, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã và đang mở rộng gieo giống các loại cây dược liệu, như ở xã Xuân Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung và xã Phú Định...

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bố Trạch, toàn huyện hiện có gần 100ha cây dược liệu; trong đó, có 30ha thuộc danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020, gồm: Cà gai leo, chè hòe, đinh lăng, kim tiền thảo và ba kích. Huyện cũng đã có 5 tổ hợp tác trồng cây dược liệu, 1 cơ sở sản xuất, cung ứng cây giống dược liệu và 3 cơ sở tham gia trồng, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu; thu nhập bình quân của các hộ tham gia trồng cây dược liệu đạt trên 70 triệu đồng/ha/năm...

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bố Trạch Nguyễn Trọng Tuyển cho biết: Chất lượng giống cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện đã có sự chuyển biến đáng kể, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên, góp phần bảo đảm mục tiêu sản lượng lương thực 45.000 tấn/năm. Đặc biệt, nhờ việc áp dụng công nghệ cao và các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ, sản lượng, giá trị, thu nhập từ trồng nấm, cây dược liệu, cây ăn quả đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Hiện nay, nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp – HTX - nông dân được hình thành. Nhờ vậy, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân khá thuận lợi, đem lại giá trị kinh tế cao.

Theo ông Trần Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch, chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Nhiều địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng của huyện Bố Trạch cũng còn một số hạn chế, như: Cơ cấu bộ giống lúa, ngô vẫn còn quá nhiều chủng Loại; các cây trồng, như: lúa, ngô, lạc, sắn, cao su, tiêu..., mang lại thu nhập còn thấp, công tác chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả chưa đạt mục tiêu đề ra…

Chủ tịch Trần Quang Vũ cho biết, huyện luôn xác định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là ứng dụng công nghệ cao phải thực sự trở thành yếu tố đột phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản và của ngành Nông nghiệp Bố Trạch. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trên các cây trồng lợi thế của huyện. Đồng thời, huyện tăng cường công tác chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đưa nhanh các quy trình sản xuất tiên tiến vào ứng dụng thực tiễn, chế biến; thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục
Măng Ri - Từ căn cứ kháng chiến đến thủ phủ sâm Ngọc Linh

Măng Ri - Từ căn cứ kháng chiến đến thủ phủ sâm Ngọc Linh

Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông từng là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Kon Tum, nổi tiếng với Khu căn cứ Tỉnh ủy thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ - được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh. Măng Ri hôm nay đã khoác lên mình màu áo mới, với cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, đời sống của đồng bào được nâng lên, bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn. Diện mạo mới của vùng căn cứ cách mạng Măng Ri bắt đầu từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc nơi đây.