Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hiệu quả từ phong trào "Dân vận khéo" ở Hà Giang

Phương Ngọc - 16:10, 11/06/2021

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn quan tâm, triển khai hiệu quả phong trào “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó giúp đồng bào thay đổi tư duy, tích cực phát triển kinh tế, tham gia các phong trào ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Người dân tỉnh Hà Giang sửa chữa đường giao thông nông thôn. Ảnh: BHG (Ảnh chụp trước tháng 01/2020)
Người dân tỉnh Hà Giang sửa chữa đường giao thông nông thôn. Ảnh: BHG (Ảnh chụp trước 01/2020)

Nhiều mô hình hay

Là tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, vì vậy phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Hà Giang được triển khai đồng bộ với nội dung cụ thể phù hợp với đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhờ đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động nên phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã lan tỏa sâu rộng trên khắp các bản, làng.

Đến nay, toàn tỉnh có 6.848 mô hình "Dân vận khéo"; trong đó, 3.142 mô hình tiêu biểu được nhân rộng. 100% các xã, phường thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đăng ký triển khai, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Nội dung các phong trào thi đua được cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ của địa phương như: “Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới; phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, được  đông đảo Nhân dân tham gia như:  Mô hình “Toàn dân chung tay hiến đất xây dựng nông thôn mới”, “Thôn tự quản an ninh trật tự gắn với bảo vệ đường biên, mốc giới”, “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, “Thanh niên khởi nghiệp”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng Nông thôn mới”, “Ngày thứ 7 hướng về Nông thôn mới”...

Với phương châm “thiết thực, cụ thể, sâu sát, toàn diện”, nội dung công tác dân vận bám sát yêu cầu thực tiễn; phương thức vận động quần chúng luôn được đổi mới. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhất là các chính sách đầu tư cho đồng bào DTTS. Từ đó, nhận được sự đồng tình ủng hộ, gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Góp phần phát triển kinh tế-xã hội

Tại xã biên giới Lũng Cú (Đồng Văn), chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Lô Lô, Tày, Pu Péo sinh sống. Những năm qua, kinh tế-xã hội của xã đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Lễ công bố xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đạt chuẩn Nông thôn mới, diễn ra ngày 17/3/2021. Ảnh: BHG
Lễ công bố xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đạt chuẩn Nông thôn mới, diễn ra ngày 17/3/2021. Ảnh: BHG

Đồng chí Chu Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Dân vận là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn được xã ưu tiên thực hiện thường xuyên, liên tục. Lũng Cú không chỉ là xã trọng điểm về du lịch, mà còn là xã điển hình về phát triển kinh tế của toàn huyện, đến nay đã trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm, xã không còn hộ có nhà tạm. 

Tương tự, Mèo Vạc là huyện có xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, giao thông đi lại khó khăn, chậm chuyển đổi các mô hình kinh tế,…Mặt khác, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Giải quyết tình trạng đó, Đảng bộ huyện Mèo Vạc xác định công tác dân vận giữ vai trò đặc biệt quan trọng và yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên phải làm và biết làm dân vận.

Sau khi được các cấp ủy, chính quyền phát động các phong trào, đã có nhiều gia đình thay đổi tư duy, phát triển kinh tế. Anh Hoàng A Páo, thôn Tả Lủng, xã Tả Lủng là một trong những người đi đầu phong trào thi đua sản xuất, cho biết: tôi đã đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Mật ong Bạc hà, Đậu tương, chăn nuôi tổng hợp… không chỉ mang lại thu nhập cao mỗi năm mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Bên cạnh những kết quả nói trên, phong trào “Dân vận khéo” còn ghi dấu ấn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, Chương trình xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có trên 3.400 hộ được xây dựng nhà ở kiên cố; Chất lượng giáo dục được nâng cao, tỷ lệ học sinh chuyển lớp, chuyển cấp, tỷ lệ huy động trẻ đến trường được nâng lên; Công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được thực hiện tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,3%/năm.

Có thể nói, các phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở Hà Giang đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhờ công tác dân vận ở cơ sở, người dân dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp; phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.