Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Lai Châu đẩy mạnh công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

PV - 15:40, 05/05/2021

Thực hiện công tác dân vận, tỉnh Lai Châu đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vận động người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ xã Nậm Manh là những đảng viên được phân công xuống từng bản hướng dẫn người dân cách chăm sóc vườn cây ăn quả, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Cán bộ xã Nậm Manh là những đảng viên được phân công xuống từng bản hướng dẫn người dân cách chăm sóc vườn cây ăn quả, góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có vị trí chiến lược quan trọng. Toàn tỉnh có 20 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Với địa bàn rộng, kết cấu hạ tầng giao thông đi lại khó khăn, việc tiếp cận thông tin đại chúng còn hạn chế nên trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số thấp, kéo theo kinh tế chậm phát triển. Từ đó, tiềm ẩn nguy cơ các thế lực thù địch sẽ lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo, kích động bà con, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhận thức vai trò đặc biệt quan trọng của công tác dân vận nói chung và dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Trung ương về công tác dân vận. Đặc biệt là Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo đó, tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện biên giới giai đoạn 2016 - 2020” và các nghị quyết, đề án phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận; chú trọng đổi mới công tác dân vận trong cơ quan Nhà nước gắn với chức năng nhiệm vụ ở các cấp, ngành, địa phương. Tỉnh ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.

Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm Nàn, xã Nậm Manh Sùng A Thùng chăm sóc đàn bò của gia đình. Anh là một trong những tâm gương điển hình đi đầu trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của bản. Ảnh: Quý Trung – TTXVN
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nậm Nàn, xã Nậm Manh Sùng A Thùng chăm sóc đàn bò của gia đình. Anh là một trong những tâm gương điển hình đi đầu trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo của bản. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Bà Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu cho biết: Dân vận là cụ thể hóa đường lối của Đảng đến cơ sở, huy động sức mạnh trong Nhân dân để phát huy nội lực. Qua đó, tỉnh thường xuyên hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống bằng việc thông qua hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, tỉnh chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lấy đây là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hàng năm.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội và lực lượng vũ trang Lai Châu đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ an ninh biên giới, thực hiện nếp sống văn minh, tập huấn dạy nghề, đẩy mạnh hoạt động ủy thác để người dân có vốn sản xuất, kinh doanh… Cùng đó, vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được phát huy, trở thành cầu nối giữa Đảng với Nhân dân.

Tỉnh Lai Châu quan tâm, xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy đối với đội ngũ làm công tác dân vận, đảm bảo tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số trong các cấp ủy, tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. 100% cán bộ công chức trong hệ thống dân vận được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Nhờ triển khai phong trào dân vận khéo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Lai Châu đã xuất hiện nhiều mô hình, gương điển hình giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những gương điển hình này có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền người dân không tin, không nghe luận điệu xuyên tạc nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch; không di cư tự do, không theo đạo trái pháp luật, tích cực tham gia phong trào bảo vệ đường biên, mốc biên giới; giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh.

Thực tế cho thấy, công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 17%. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, khối đoàn kết dân tộc được giữ vững. Đặc biệt là tạo được sự đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Tỉnh Lai Châu xác định công tác dân vận, đặc biệt dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị. Tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng linh hoạt phù hợp; cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác dân vận.

Tỉnh tập trung xây dựng, triển khai có hiệu quả về chính sách dân tộc, các nghị quyết, đề án của tỉnh theo quan điểm lấy “dân làm gốc”; mọi chủ trương chính sách phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền lợi ích chính đáng của Nhân dân, đảm bảo hài hòa, lợi ích của Nhân dân với Nhà nước; tăng cường sự đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của Nhân dân.