Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

H’mai Hmốk bà đỡ mát tay của buôn làng

PV - 13:57, 08/05/2018

Hơn 20 năm công tác tại Trạm Y tế xã Ea Hu và Trạm Y tế xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk), y sĩ H’mai Hmốk cùng chính quyền địa phương, già làng, Người có uy tín vận động bà con từ bỏ hủ tục, hội nhập cuộc sống hiện đại đặc biệt là trong việc chăm sóc sức khỏe.

Y sĩ H’mai đang kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân. Y sĩ H’mai đang kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân.

 

Vì vậy, y sĩ H’mai Hmốk được bà con trong xã và một số xã lân cận quý mến gọi “Bà đỡ mát tay” của buôn làng Ê-đê.

Năm 1996, y sĩ H’mai Hmốk ở buôn Ea Kmar, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin tốt nghiệp chuyên ngành Sản-Nhi, Trường Trung cấp Y tế Đăk Lăk nay là Trường Cao đẳng Y tế Đăk Lăk và được phân công về Trạm Y tế xã Ea Hu công tác. H’mai chia sẻ: Xã Ea Hu và một số xã lân cận chủ yếu là đồng bào dân tộc Ê-đê sinh sống. Đời sống bà con nơi đây khó khăn lắm, canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thời tiết. Đặc biệt, trong sinh hoạt thường ngày còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu như, phụ nữ đến ngày sinh nở ở nhà nhờ “bà mụ vườn” đỡ đẻ, cắt rốn; đau ốm bệnh tật tìm đến thầy cúng đuổi “con ma”; dịch bệnh hoành hành phó mặc cho Yàng… Vì vậy mà những năm trước kia, không ít phụ nữ, trẻ em chết oan khi gặp tai biến sản khoa, trẻ nhiễm trùng rốn và nhiều người bệnh nhẹ thành nặng bởi tin thầy cúng đã đuổi bệnh đi.

Bản thân là người con của buôn làng, y sĩ H’mai hiểu rõ những tập quán của dân tộc mình và cũng hiểu tâm lý của bà con. Bằng những kiến thức đã học và nhiệt huyết tuổi trẻ, H’mai không quản ngại đường sá khó khăn, ngày nắng cũng như ngày mưa, kiên trì gõ cửa từng nhà vận động người dân từ bỏ hủ tục, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản. Với cách tuyên truyền, vận động thiết thực phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể trong xã, nhất là già làng, Người có uy tín tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình, đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, khám thai định kỳ và sinh đẻ…

Thấy được hiệu quả thực tế, người dân trong xã dần thay đổi nhận thức về phòng, chống dịch bệnh, phụ nữ sinh đẻ, người đau ốm đến trạm y tế… Từ đó các bệnh lây nhiễm cũng được đẩy lùi, tình trạng sản phụ, trẻ em tử vong do tai biến sản khoa không còn nữa. Duy trì trong nhiều năm từ năm 2002 đến nay, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi trong xã Ea Hu được tiêm chủng đủ liều đạt 80% trở lên; phụ nữ sinh con tại các cơ sở y tế đạt 100%... Năm 2005, y sĩ H’Mai được phân công làm Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ea Hu.

Từ năm 2011 đến nay, H’mai được luân chuyển sang Trạm Y tế xã Dray Bhăng. Tuy nhiên, người dân sinh sống trên địa bàn xã Ea Hu, Dray Bhăng và một số xã khác như Ea Bhốk luôn tin tưởng tìm đến y sĩ H’mai nhờ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Tính chung trong quá trình công tác, trung bình mỗi tháng y sĩ H’mai đỡ đẻ từ 10-12 ca, kể cả tại Trạm Y tế xã và tại nhà dân. “Tính mình khá cẩn thận, hơn 20 năm trong nghề đỡ đẻ cho hàng trăm sản phụ nhưng tôi tự hào rằng chưa bao giờ thất bại”, y sĩ H’mai tự hào.

Bây giờ thì người dân quanh vùng đã quen đến kỳ sinh nở là tìm đến H’mai, đến trạm hay ở nhà chị cũng đều tận tình giúp đỡ. Trong thời gian công tác, y sĩ H’mai đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp chính quyền và của ngành Y tế địa phương.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.