Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135: Điều chỉnh tỷ lệ vốn để nâng cao hiệu quả

PV - 10:15, 23/08/2019

Tạo sinh kế, giải quyết việc làm để tăng thu nhập là giải pháp quan trọng nhất để giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS. Để thực hiện được mục tiêu này thì việc điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất (PTSX) thuộc Chương trình 135 là điều cần thiết.

Tăng thu nhập, giảm nghèo

Giai đoạn 2016-2020, cả nước có 2.139 xã khu vực III thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 (CT135). Bên cạnh nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thì các xã được bố trí vốn để hỗ trợ PTSX, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.

Như xã khu vực III, biên giới Krông Na (Buôn Đôn, Đăk Lăk), nơi sinh sống của 1.475 hộ/5.326 khẩu, chủ yếu là đồng bào DTTS. Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ PTSX của CT135 đã trực tiếp tạo sinh kế cho nhiều gia đình trên địa bàn, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập bình quân của xã.

Hỗ trợ để đồng bào DTTS có sinh kế ổn định là giải pháp giảm nghèo bền vững. (Ảnh minh họa) Hỗ trợ để đồng bào DTTS có sinh kế ổn định là giải pháp giảm nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)

Chỉ tính riêng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, Krông Na được phân bổ 492 triệu đồng từ CT135 để hỗ trợ bà con PTSX. Theo ông Y Thông Khăm Niê KDăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na, mặc dù còn khó khăn nhưng so với năm 2016, xã đã có những bước phát triển nhất định, nhất là về giảm nghèo.

“Năm 2016, xã có 810 hộ nghèo, nay đã giảm xuống còn 726 hộ. Về thu nhập bình quân, năm 2016 xã chỉ đạt 660 nghìn đồng/người/tháng thì hiện đã tăng lên được hơn 1,050 triệu đồng/người/tháng”, Chủ tịch UBND xã Krông Na cho biết.

Tương tự xã Krông Na, xã khu vực III Đạ Long của huyện 30a Đam Rông (Lâm Đồng) cũng đã chuyển mình rõ nét trong giảm nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ PTSX của CT135. Chỉ tính trong năm 2018, xã đã được bố trí 238 triệu đồng từ CT135 để hỗ trợ các nhóm hộ mua máy cày, máy tưới, máy cắt cỏ, máy xịt thuốc,…

Cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn giảm nghèo khác, vốn hỗ trợ PTSX từ CT135 đã góp phần tăng thu nhập bình quân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của Đạ Long. Nếu như cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 38,7% thì hết năm 2018 giảm xuống còn 31,3% (giảm 7,4%).

Thu nhập bình quân cuối năm 2018 của xã Đạ Long cũng tăng hơn 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2017, đạt 19,7 triệu đồng/người/năm. Xã phấn đấu hết năm 2019 nâng thu nhập bình quân của xã lên trên 21,5 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn khoảng 24% (giảm hơn 7%).

Krông Na và Đạ Long là 2 trong tổng số 2.139 xã khu vực III thuộc diện đầu tư CT135 theo Quyết định 900/QĐ-TTg. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc (UBDT), trong 4 năm (2016-2019), ngân sách Trung ương đã bố trí hơn 2.944,8 tỷ đồng và các địa phương đã chủ động đối ứng được hơn 1.057,7 tỷ đồng để triển khai tiểu dự án hỗ trợ PTSX thuộc CT135. Nguồn lực này đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung của 2.139 xã đặc biệt khó khăn từ 35,45% năm 2016 xuống còn 25,54% cuối năm 2018; đã có 121 xã hoàn thành mục tiêu CT135.

Nhu cầu vẫn còn rất lớn

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBDT, nhu cầu hỗ trợ PTSX ở các xã đặc biệt khó khăn hiện vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, định mức hỗ trợ PTSX của CT135 hiện vẫn còn thấp, chưa tạo đột phá trong việc tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo, phù hợp với đặc điểm sản xuất của từng địa phương cụ thể.

Lấy xã Krông Na (Buôn Đôn, Đăk Lăk) làm dẫn chứng, theo chia sẻ của ông Sao Y Me, Bí thư Đảng ủy xã, do đất canh tác không được màu mỡ nên nhiều năm nay xã không thực hiện hỗ trợ giống cây các loại mà tập trung hỗ trợ bò giống. Nhưng mua bò giống cần nhiều tiền, trong khi vốn hỗ trợ PTSX phân bổ cho xã không nhiều nên ít hộ được thụ hưởng.

Vì nguồn vốn hỗ trợ PTSX thấp nên chưa thực sự tạo động lực phát triển cho các xã đặc biệt khó khăn, nhất là việc nâng thu nhập bình quân. Số liệu tại Hội thảo đánh giá sơ kết thực hiện CT135 giai đoạn 2016-2020 tổ chức tại Đăk Lăk ngày 25/7/2019 cho thấy, CT135 đặt mục tiêu đến năm 2019 đưa thu nhập bình quân ở các xã đặc biệt khó khăn tăng gấp 2 lần so với năm 2015; nhưng đến tháng 6/2019, thu nhập bình quân ở các xã thụ hưởng CT135 chỉ mới tăng được 1,2 lần (từ 15,81 triệu đồng/người/năm 2015 lên thành 19 triệu đồng/người năm).

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguồn vốn hỗ trợ PTSX không đáp ứng được nhu cầu là do quy định về tỷ lệ nguồn vốn cho các tiểu dự án trong CT135. Hiện nay, vốn CT135 được bố trí theo tỷ lệ: vốn đầu tư phát triển (xây dựng cơ sở hạ tầng) chiếm 72,93%; vốn sự nghiệp (duy tu, nâng cao năng lực, PTSX) chỉ chiếm tỷ lệ 27,07%, trong đó vốn hỗ trợ PTSX chỉ chiếm tỷ lệ 19,46%.

Cùng với đề xuất nâng định mức đầu tư, hỗ trợ của CT135 lên gấp 3-5 lần so với hiện nay thì các xã 135 cũng kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ phân bổ vốn của Chương trình, trong đó tăng tỷ lệ vốn hỗ trợ PTSX. Việc nâng định mức CT135 hoàn toàn hợp lý khi mà hiện nay, trong tổng số 2.139 xã được thụ hưởng mới chỉ có 121 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng tỷ lệ vốn hỗ trợ PTSX là cần thiết bởi để giảm nghèo bền vững thì giải pháp quan trọng nhất là người dân có sinh kế ổn định.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 60% dân số là đồng bào DTTS; thời gian qua nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.