Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hỗ trợ tiền sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm: Liệu có giải quyết được tận gốc vấn đề?

Ngọc Anh - 12:21, 16/10/2020

Nghị định 116/2020/NĐ-CP về việc hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11 tới.  Ngoài được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng học phí, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt. Nhưng liệu chính sách này có thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao và giải quyết được vấn đề thất nghiệp cho sinh viên ngành này khi ra trường?

Hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm nhưng có nâng cao chất lượng nhân lực ngành này hay không, đó là điều đáng bàn. Ảnh: TL
Hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm nhưng có nâng cao chất lượng nhân lực ngành này hay không, đó là điều đáng bàn. Ảnh: TL

Theo Nghị định, mức hỗ trợ trên được áp dụng với sinh viên đại học, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên theo hình thức chính quy, liên thông chính quy. Thời gian hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng 1 năm học. Nếu công tác trong ngành không đủ thời gian phải bồi hoàn.

Nhiều sinh viên cho rằng, mức tiền hỗ trợ của Nghị định 116/2020/NĐ-CP chắc chắn sẽ tác động tới người học, khả năng những năm tới, học sinh lại đổ dồn vào ngành Sư phạm. Bởi mức hỗ trợ này còn cao hơn lương giáo viên vừa tốt nghiệp đại học (khoảng 3,5 triệu đồng/tháng). Thế nhưng, liệu Nghị định này có thu hút được sinh viên giỏi hay sinh viên có hoàn cảnh khó khăn? 

Ngay cả chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm trước đây cũng có quy định sau khi tốt nghiệp sinh viên phải công tác trong ngành Giáo dục, nếu không phải bồi hoàn học phí. Nhưng đến nay, sinh viên sư phạm không tìm được việc làm đúng chuyên môn nên không thể buộc họ bồi hoàn học phí. Điều này gây nên sự lãng phí rất lớn. 

Trên thực tế, những năm qua, tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm đã được phản ánh khá nhiều. Địa phương nào cũng có nhiều sinh viên sư phạm thất nghiệp, có những tỉnh hàng chục năm không có chủ trương tuyển dụng giáo viên. Đây cũng chính là băn khoăn lớn nhất của các sinh viên ngành này.

Thạc sĩ Cao Nguyên Trang, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo hướng này rất tốt, song để thực sự hấp dẫn thì phải đi cùng với giải quyết việc làm cho người học sau ra trường. 

“Học sư phạm thực chất là học một nghề kiếm sống, bỏ tiền ra học là bình thường. Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí là đủ, còn hỗ trợ sinh hoạt phí không quá cần thiết”, bà Trang chia sẻ. 

Việc hỗ trợ cho sinh viên giải quyết vấn đề từ ngọn, cái gốc là việc tuyển sinh và sau khi tốt nghiệp phải có chế độ đãi ngộ tốt, kiểm tra năng lực thường xuyên, để bảo đảm chất lượng giáo viên từ đạo đức đến năng lực thì chúng ta chưa thấy được quan tâm đúng mức. 

Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, nếu chỉ hút người học bằng chính sách miễn học phí mà không có những kiểm tra về mức độ phù hợp với nghề, quyết tâm gắn bó với nghề, thì rất có thể những ưu đãi này sẽ trở thành lãng phí. Bằng chứng là đã có nhiều giáo viên, dù được tuyển dụng biên chế chính thức nhưng cũng không đến nhận nhiệm vụ, hoặc sau một thời gian ngắn giảng dạy, đã nghỉ việc vì các lý do khác nhau, trong đó có nguyên nhân là vì lương thấp, không đủ sống. Nên cùng với đó phải là các giải pháp về việc làm sau ra trường, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc… mới thực sự đồng bộ, thu hút người học đầu quân vào sư phạm”. 

Ngoài ra, nhiều chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính đến nhiều phương án chặt chẽ và có cam kết rõ ràng cùng với sự “đặt hàng” chuẩn với nhu cầu giáo viên của các địa phương. Nếu không sẽ vẫn còn bài ca sinh viên sư phạm ra trường vẫn thất nghiệp dài dài.