Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Hòa Bình: Hiệu quả từ camera giám sát

PV - 17:42, 11/06/2019

Thời gian qua, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình đã vận động hơn 50 cơ quan, đơn vị, cá nhân, ủng hộ được gần 250 triệu đồng nhằm thực hiện mô hình camera giám sát tình hình an ninh trật tự và hoạt động giao thông. Qua đó, giúp cho lực lượng Công an huyện khám phá nhanh, thành công nhiều vụ án, vụ việc phức tạp,… đồng thời trở thành địa phương đi đầu trong việc sử dụng camera để giữ gìn an ninh trật tự của tỉnh Hòa Bình.

Camera giám sát được lắp dọc theo QL 6 trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình) Camera giám sát được lắp dọc theo QL 6 trên địa bàn huyện Cao Phong (Hòa Bình)

Cao Phong là địa phương có Quốc lộ 6 chạy qua, nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Trong những năm qua, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn huyện vẫn còn một số vụ việc đi vào ngõ cụt do thiếu manh mối, căn cứ xác thực. Trước tình hình đó, Công an huyện Cao Phong đã đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát xung quanh đơn vị, đồng thời vận động Nhân dân tham gia lắp đặt camera an ninh tại các hộ gia đình. Tháng 10/2018, Công an huyện chính thức đưa vào hoạt động mô hình dân vận khéo “Camera giám sát tình hình an ninh trật tự và hoạt động giao thông huyện Cao Phong”.

Đến nay, toàn huyện đã lắp đặt 16 camera chuyên dụng dọc Quốc lộ 6 với đường cáp có tổng chiều dài 8,5km, 2 camera bắn tốc độ, 6 cột đèn báo giao thông và 129 camera an ninh tại các gia đình. Trung tâm điều khiển đặt tại trụ sở Công an huyện. Mô hình được đầu tư với tổng giá trị 280 triệu đồng, trong đó có 245 triệu đồng là tiền ủng hộ. Từ việc trích xuất hình ảnh camera đã giúp cho lực lượng Công an khám phá thành công nhiều vụ án, vụ việc phức tạp. Điển hình như: 3 vụ tội trộm cắp tài sản; 4 vụ tai nạn giao thông. Các vụ việc trên đều được camera giám sát ghi lại, giúp cho công tác điều tra, xác minh nhanh chóng và chính xác.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cao Phong giám sát tình hình an ninh trật tự và hoạt động giao thông trên địa bàn thông qua các màn hình camera. Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Cao Phong giám sát tình hình an ninh trật tự và hoạt động giao thông trên địa bàn thông qua
các màn hình camera.

Gia đình ông Tạ Đình Đào là một trong những hộ dân đầu tiên trên địa bàn thị trấn Cao Phong tiến hành lắp đặt camera an ninh tại gia đình của mình. Ông cho biết: “Gia đình tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc lắp đặt camera trước hết là đảm an ninh cho gia đình, sau đó là bảo vệ an ninh trật tự chung và giám sát hoạt động giao thông cho xã hội. Đã 2 lần gia đình tôi cung cấp hình ảnh giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá thành công vụ tai nạn giao thông và vụ gây rối trật tự công cộng.

Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cao Phong nhấn mạnh: Kể từ khi mô hình đi vào hoạt động, việc sử dụng camera giám sát đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động giao thông và phòng, chống tội phạm. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, hạn chế các vụ va chạm và tai nạn giao thông. Số đối tượng hình sự, ma túy, trộm cắp, mua bán số lô, số đề và các cửa hiệu cầm đồ không dám manh động; số vụ việc do các đối tượng này gây ra giảm rõ rệt so với trước.

Cũng theo Trưởng Công an huyện Cao Phong Bùi Thế Thành, thời gian tới, các hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ trên địa bàn phát triển nhanh, trung tâm thị trấn được mở rộng, dân cư sẽ trở nên đông đúc. Dự báo đối tượng xấu sẽ triệt để lợi dụng những vấn đề này để hoạt động phạm tội. Cao Phong cũng là địa bàn được Bộ Công an và Công an tỉnh lựa chọn là nơi chặn, bắt các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ các địa bàn trọng điểm... chính vì vậy việc lắp camera giám sát là một giải pháp quan trọng giúp đảm bảo an ninh trật tự và ngăn ngừa tội phạm tại địa phương.

NGHĨA HIỆP

Tin cùng chuyên mục
Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Quỳ Châu (Nghệ An): Kết quả tích cực từ giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Trong những năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) đã liên tục giảm nhanh. Nếu trong năm 2020, toàn huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có 30 trường hợp tảo hôn, thì đến năm 2024 (tính đến 20/11) toàn huyện chỉ ghi nhận 1 trường hợp tảo hôn.