Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS &MN

Hòa Bình: Tăng cường tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số

V.H- Ng. Lê - 09:30, 02/10/2023

Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác dân số, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tỉnh Hòa Bình đã và đang nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến, thay đổi hành vi của cộng đồng về dân số và phát triển trong tình hình mới.

Tuyên truyền về công tác dân số và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở TP Hòa Bình
Tuyên truyền về công tác dân số và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở TP Hòa Bình

Xác định tầm quan trọng của hoạt động truyền thông, vận động trong công tác dân số và phát triển, hàng năm, UBND tỉnh Hòa Bình giao Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) tỉnh có văn bản hướng dẫn các thành viên BCĐ và các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch truyền thông, giáo dục thường xuyên; truyền thông cho các địa bàn đặc thù, địa bàn có mức sinh cao, địa bàn khó tiếp cận…; chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống DS - KHHGĐ xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động truyền thông các chủ đề phù hợp với từng địa bàn, linh hoạt, sáng tạo trong công tác truyền thông nhằm nâng cao chất lượng dân số.

Các hoạt động truyền thông về công tác dân số được thực hiện dưới nhiều hình thức như: trên các phương tiện truyền thông đại chúng; lồng ghép vào các hoạt động phong trào, chương trình của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp; truyền thông trực tiếp tại cộng đồng của cán bộ dân số, cán bộ y tế, đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; chức sắc tôn giáo, Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số... Từ đó thể hiện tính xã hội hoá trong công tác dân số, góp phần vào kết quả thực hiện công tác dân số trong tình hình mới.

Tuy nhiên, chất lượng dân số, đặc biệt là dân số trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở Hòa Bình vẫn chưa cao, ở một số địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em chưa được quan tâm đúng mức.

Trung tâm Y tế huyện Cao Phong (Hòa Bình) tổ chức lớp tập huấn về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản
Trung tâm Y tế huyện Cao Phong (Hòa Bình) tổ chức lớp tập huấn về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản

Xác định những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng dân số thấp là do bất bình đẳng giới còn tồn tại, đặc biệt là tư tưởng trọng nam hơn nữ; tình trạng tảo hôn còn diễn ra, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống; sức khỏe mẹ và con; tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại, gây suy thoái nòi giống; một nguyên nhân nữa đó là tình trạng đói nghèo…

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, trong 5 năm qua (2017-2022), Ban Chỉ đạo công tác dân số tỉnh Hòa Bình đã tổ chức 15 hội nghị/hội thảo triển khai công tác dân số trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan, với hơn 1.600 đại biểu chủ chốt của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, huyện tham dự. Các cơ quan, đoàn thể tổ chức tuyên truyền thông qua các hình thức phù hợp: Sản xuất 17 phóng sự, tọa đàm và nhiều tin, bài về công tác dân số và phát triển. Sản xuất, nhân bản 792 đĩa truyền thông, làm mới 13 cụm pano và sửa chữa 14 cụm pano truyền thông. Sản xuất, nhân bản 26.500 áp phích tuyên truyền, 10.204 cuốn sách mỏng, 130.940 tờ rơi… về công tác dân số và phát triển.

Trong các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục về công tác dân số, bình đẳng giới, giáo dục giới tính, đa dạng hóa hình thức giáo dục, tổ chức giảng dạy lồng ghép trong các môn học hiện có của chương trình với tinh thần không làm nặng thêm chương trình và phù hợp với các cấp học.

Triển khai hội thảo/truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSCKSS) cho vị thành niên/thanh niên tại các trường THCS/THPT, giúp các bạn trẻ có hiểu biết, kiến thức về CSSKSS, KHHGĐ, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục, giảm tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn, giảm tình trạng tảo hôn, tiến tới đảm bảo hôn nhân bền vững, nâng cao chất lượng giống nòi.

Chương trình sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh từng bước được triển khai nhằm tầm soát các dị dạng, bệnh tật bẩm sinh của trẻ. Hàng năm thực hiện đạt 100% kế hoạch được giao trong Chương trình mục tiêu y tế - dân số; kết quả 10,8% trẻ sơ sinh được sàng lọc có nghi ngờ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa được tư vấn khám, chẩn đoán và điều trị sớm, kịp thời tránh các di chứng nặng nề.

Cán bộ y tế Kim Bôi tư vấn, tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
Cán bộ y tế huyện Kim Bôi tư vấn, tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Hoạt động truyền thông tư vấn CSSKSS vị thành niên, thanh niên được đẩy mạnh. Xây dựng 15 câu lạc bộ tiền hôn nhân/phòng, chống bệnh tan máu bẩm sinh điểm tại 15 xã/thị trấn của các huyện, thành phố. Các câu lạc bộ duy trì sinh hoạt 1 lần/quý, với các nội dung về khám sức khỏe trước hôn nhân, CSSKSS, phòng chống bệnh tan máu bẩm sinh…

Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh phối hợp bệnh viện Medlatec lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh cho các đối tượng có liên quan (5 - 6 đời) với bệnh nhân đã, đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho các địa bàn trong tỉnh và của 15 xã có câu lạc bộ. Kết quả xét nghiệm của 15 xã có câu lạc bộ với tỷ lệ 41,3% trường hợp nghi ngờ mang gen. Các đối tượng được tư vấn chẩn đoán và cách phòng bệnh cho thế hệ sau.

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tích cực với nhiều hình thức phong phú, phù hợp từng nhóm đối tượng cụ thể, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số…

Tin cùng chuyên mục
Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Phước Sơn (Quảng Nam) đẩy lùi tập tục lạc hậu đối với người dân vùng đồng bào DTTS

Trong 2 ngày (ngày 16 và 17 tháng 10), huyện Phước Sơn tổ chức Chiến dịch truyền thông, nhằm bàn giải pháp xóa bỏ các tập tục lạc hậu và một số vấn đề cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng DTTS gắn với triển khai thực hiện Chỉ thị 27 về “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân vùng đồng bào DTTS, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2024. Chiến dịch truyền thông được tổ chức tại xã vùng cao Phước Chánh và thị trấn Khâm Đức.