Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hòa Bình: Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng DTTS

Văn Hoa - Việt Hà - 20:03, 08/11/2023

Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều DTTS cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để rút ngắn khoảng cách chênh lệch phát triển so với các vùng, miền, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho phong trào khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS. Qua đó, lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong việc mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sinh kế hiệu quả.

Khởi nghiệp để vươn lên làm giàu

Anh Đinh Văn Sánh, dân tộc Mường, sinh năm 1995, là một trong những người đầu tiên mạnh dạn phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc, Hòa Bình),  bằng việc mạnh dạn cải tạo ngôi nhà sàn đang ở để đón khách du lịch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, đặc biệt, anh đã tạo được cảm hứng khởi nghiệp cho thanh niên DTTS trong vùng.

Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cùng Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm quan mô hình khởi nghiệp trồng cam tại huyện Tân Lạc
Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thăm quan mô hình khởi nghiệp trồng cam tại huyện Tân Lạc

Anh Sánh kể, năm 2014, anh học xong lớp 12 và  đi làm thuê ở Tây Nguyên. Khi nghe tin Tổ chức AOP Việt Nam có chương trình hỗ trợ phát triển du lịch tại địa phương, sau khi tìm hiểu kỹ, anh đã làm đơn đề nghị với Tổ chức AOP Việt Nam và dự án, xin ý kiến gia đình cải tạo ngôi nhà sàn đang ở để phục vụ du lịch.

Theo Sánh, trong quá trình thực hiện, anh luôn được các cấp, các ngành của địa phương đồng hành, quan tâm, hỗ trợ đặc biệt như: thủ tục pháp lý đảm bảo về việc đón tiếp khách; tham dự các lớp tập huấn kỹ năng giao tiếp và phục vụ khách du lịch; được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm du lịch ở các địa phương thành công về mô hình du lịch cộng đồng…

Nhờ cố gắng, nỗ lực, đến năm 2016, Homstay Sánh Thuấn đã đón những vị khách đầu tiên. Kể từ đó trở đi, mỗi năm gia đình anh đón hơn 1000 lượt khách đến lưu trú, cho doanh thu gần 300 triệu đồng, trừ chi phí cũng được khoảng hơn 150 triệu. Anh Sánh cười tươi kể, có những đợt nghỉ lễ, nhất là đợt nghỉ lễ dài 5 ngày dịp 30/4 - 1/5 vừa rồi, gia đình anh đón gần 60 lượt khách, cho thu nhập gần 25 triệu đồng. Theo anh Sánh, từ khi phát triển du lịch, cuộc sống gia đình đã khá giả hơn; đặc biệt là tiêu thụ được một lượng lớn nông sản của gia đình và người dân địa phương.

Anh Đinh Văn Sánh cùng vợ bên Homstay của gia đình (Nguồn ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Đinh Văn Sánh cùng vợ bên Homstay của gia đình (Nguồn ảnh nhân vật cung cấp)

Tương tự, ông Lường Văn Sương, xã Đồng Chum, dân tộc Tày, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Sương, huyện Đà Bắc. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, thuộc xã đặc biệt khó khăn (toàn xã có tới 98% là người DTTS), ông Sương đã không khuất phục trước cái đói, cái nghèo, luôn cố gắng học hỏi, tìm các giải pháp để phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Ông Sương kể, khi sinh hoạt tại Hội nông dân xóm, ông được tham gia tập huấn các lớp chuyển giao khoa học, kĩ thuật, được tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh, đã giúp ông có thêm nhiều kinh nghiệm để sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Nhận thấy các khu rừng dây leo, bụi rậm không có giá trị kinh tế, ông Sương đã liên hệ với chính quyền địa phương khảo sát để chuyển sang trồng rừng sản xuất như cây keo, mỡ, lát xoan… với diện tích đã trồng được 25 ha. Đồng thời, ông đã vận động được các hộ dân trong xóm, xã cùng trồng và chăm sóc được 65 ha, hiện nay đang trong thời kì chăm sóc, phát triển khá tốt.

Bên cạnh đó, ông đã đầu tư phát triển mô hình vườn - ao - chuồng. Trong 5 năm qua, ông Sương đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng để mua 7 con trâu giống, 50 con bò giống. Đến nay, số lượng đàn trâu đã sinh trưởng và phát triển thêm 20 con, đàn bò 70 con. Ngoài chăn nuôi trâu bò, mỗi năm ông thả 200 kg cá giống, cho thu nhập đáng kể.

Ngoài ra, ông còn nhận mở thầu đường giao thông, sản xuất kinh doanh cát, sỏi, vật liệu xây dựng, cho thu nhập bình quân 220 triệu đồng/năm. Ông Sương nói, trong những năm qua, ông đã giúp được 3 hộ nông dân thoát nghèo, xóa được nhà dột nát, làm nhà cấp bốn; mỗi năm tạo công ăn, việc làm ổn định cho 23 - 25 lao động, trong đó 6 lao động thường xuyên, 15 - 20 lao động thời vụ, với cho mức thu nhập từ 30 - 60 triệu đồng/người/ năm.

Với những cố gắng, nỗ lực và đóng góp cho cộng đồng, năm 2022, ông Sương là một trong những điển hình tiên tiến được tham dự, tham luận và được biểu dương tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình năm 2022 do Ủy ban Nhân dân tỉnh tổ chức.

Anh Đinh Văn Sánh và ông Lường Văn Sương, chỉ là hai trong số hàng trăm điển hình tiêu biểu đã nỗ lực phát triển kinh tế hộ gia đình, là những tấm gương tiêu biểu đại diện cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên làm giàu trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Hòa Bình.

 Chị Sùng Y Chư tại xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu làm giấy giang để phục vụ cho gia đình và bán tạo thêm nguồn thu nhập trong lúc nông nhàn. (Trong ảnh, khách du lịch đang say mê xem chị Chư làm giấy giang)
Chị Sùng Y Chư tại xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu làm giấy giang để phục vụ cho gia đình và bán tạo thêm nguồn thu nhập trong lúc nông nhàn. (Trong ảnh, khách du lịch đang say mê xem chị Chư làm giấy giang)

Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp vùng DTTS

Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là thanh niên; tăng cường phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên DTTS làm kinh tế hiệu quả tại địa phương; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, các lớp học nghề cho thanh niên; tuyên truyền và hỗ trợ thanh niên tham gia chương trình “OCOP - Mỗi xã một sản phẩm”, tham gia phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho thanh niên nông thôn. Đồng thời, chú trọng đến việc tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ và phát triển các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của thanh niên.

Các hoạt động nhằm hỗ trợ, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đã được các cấp, các ngành, địa phương triển khai trên nhiều lĩnh vực, điển hình như: Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình” năm từ năm 2018 đến nay vẫn duy trì thường xuyên do Tỉnh đoàn tổ chức; các cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức; các cuộc giao lưu, tọa đàm với vườn ươm doanh nghiệp sông Hàn do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức cho thanh niên khởi nghiệp; các chương trình xúc tiến thương mại do Liên minh HTX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương tổ chức trên nhiều lĩnh vực: nông lâm thủy sản, công nghiệp, du lịch... Đây là tiền đề quan trọng để phát triển các mô hình khởi nghiệp thành các doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo đó mà đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong việc tham gia phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là mô hình lập thân, lập nghiệp ngay trên mảnh đất quê hương, thông qua việc xây dựng và nhân rộng các mô hình như: Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên. Nổi bật như Câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi tỉnh Hòa Bình, tập hợp các gương thanh niên điển hình đã nhận được Giải thưởng Lương Định Của trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp...

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Hòa Bình hiện nay đang có trên 680 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, trong đó có gần 400 mô hình thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp; tạo việc làm cho gần 1000 đoàn viên thanh niên.

Cuộc thi “Phụ nữ Hòa Bình khởi nghiệp sáng tạo – Phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ, thực hiện hiệu quả chương trình Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Cuộc thi “Phụ nữ Hòa Bình khởi nghiệp sáng tạo – Phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 góp phần gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần khởi nghiệp của phụ nữ, thực hiện hiệu quả chương trình Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

Mới đây, ngày 23/8/2023, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 165/KH-UBND hỗ trợ thanh niên tỉnh Hòa Bình khởi nghiệp, giai đoạn 2023 - 2030. Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến về những nội dung quan trọng tại Quyết định số 897/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình "Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2022 - 2030; cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và cơ chế phối hợp để tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác hỗ trợ thanh niên tỉnh Hòa Bình khởi nghiệp.

Đặc biệt, hiện nay các cấp, các ngành, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình, đặc biệt là Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, chuỗi sản xuất, các dự án, mô hình; hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu. Đây là nguồn lực rất có ý nghĩa đối với phong trào thúc đẩy khởi sự kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Những năm gần đây, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã được huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện cuộc sống.