Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Hoa nở trên đất cằn Chiềng Xôm

PV - 17:17, 14/04/2018

Bước chân vào thung lũng Chiềng Xôm, xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La chúng tôi cứ ngỡ mình đi lạc, bởi giữa núi đồi điệp trùng là cả một cánh đồng hoa hồng bất tận. Những cánh đồng hoa ấy không chỉ tô điểm cho núi rừng Tây Bắc mà còn giúp người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Vừa từ vườn hồng trở về, trên người còn lấm đất, ông Đỗ Huy Thưởng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hà Huy Thưởng vui vẻ tâm sự về câu chuyện hoa hồng bén duyên với đất Chiềng Xôm.

Nhiều người dân ở Chiềng Xôm đổi đời nhờ trồng hoa. Nhiều người dân ở Chiềng Xôm đổi đời nhờ trồng hoa.

 

Năm 2001, ông Thưởng từ Mê Linh (Hà Nội) đặt chân lên Sơn La lập nghiệp. Khi mới tới vùng đất mới, ông cũng không tránh khỏi chán nản bởi đất đai nơi đây cằn cỗi và người dân sống thưa thớt. Sau nhiều đêm vắt tay lên trán suy nghĩ, ông đã mạnh dạn mang nghề trồng hoa ở quê áp dụng lên đất Chiềng Xôm.

Trải qua nhiều khó khăn, thậm chí có lúc thất bại trắng tay nhưng ông vẫn không nản chí. Nhờ vậy, khi mô hình của ông thành công, ông Thưởng bắt đầu đứng ra kêu gọi thành lập hợp tác xã và thuê đất của một vài hộ đồng bào Thái ở đây để cải tạo trồng hoa hồng.

Với giá thuê đất hằng năm cao hơn lợi nhuận từ trồng lúa (hiện tại là 90 đến 95 triệu đồng/héc-ta/năm), rất nhiều bà con sẵn sàng cho ông thuê đất; bù lại ông Thưởng mời chính những bà con này tham gia vào việc trồng và chăm sóc hoa hồng với mức lương từ 100 ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/ngày/người

Chị Cà Thị Quỳnh ở bản Panh Mong vui vẻ cho biết: “Việc HTX Hà Duy Thưởng động viên người dân trong bản mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh hoa chất lượng cao đã giúp đổi đời cho người dân chúng tôi. Là thành viên của HTX, chúng tôi thường bảo nhau phải nỗ lực hết mình để cùng tìm hướng trồng hoa sao cho bông to hơn, thắm hơn, bán được giá hơn”.

Hiện nay, HTX Hà Huy Thưởng đã thu hút sự tham gia của 100 xã viên, tạo việc làm cho 400 lao động, thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng (chưa kể tiền thuê đất được HTX chi trả cho mỗi hộ hằng năm). HTX đã tiến hành trồng hoa trên 32ha tại Chiềng Xôm với doanh thu 500 triệu đồng/ha/năm.

Mong muốn lớn nhất của bà con nơi đây là tạo dựng được một thương hiệu mang tên “hoa Chiềng Xôm” thực sự có uy tín trên thị trường.

Ông Lèo Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm đánh giá “Từ khi HTX trồng hoa ra đời và hoạt động hiệu quả, đồng bào DTTS ở Chiềng Xôm đã chuyển đổi nhiều khu ruộng năng suất thấp thành cánh đồng hoa mang lại giá trị kinh tế cao. Trong năm 2017, ước tính, diện tích trồng hoa của xã Chiềng Xôm sẽ tăng khoảng 7ha so với năm 2016…”.

Tuy nhiên, để hoa chiềng Xôm phát triển bền vững và trở thành một thương hiệu trong thời gian tới, người trồng hoa cần chú trọng mở rộng diện tích trồng hoa công nghệ cao.

Ông Lèo Văn Hưởng cho biết thêm, trên thực tế một số hộ dân trong vùng cũng đã bước đầu đầu tư trồng thí điểm dưới dàn phun sương. Các mô hình này bước đầu cho kết quả tốt. Rất nhiều thương lái và nhà phân phối tìm đến tận vườn để mua các loại hoa công nghệ cao.

THIÊN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục
Các biện pháp phòng bệnh cho cá thời điểm giao mùa

Các biện pháp phòng bệnh cho cá thời điểm giao mùa

Trong thời điểm giao mùa thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong ao nuôi. Việc thay đổi thời tiết cũng tạo sự thuận lợi cho mầm bệnh trên cá phát triển rất nhanh, chủ yếu là các bệnh về ký sinh trùng, nấm, vi khuẩn, vi rút... Để giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt trong giai đoạn này, bà con cần thực hiện một số biện pháp sau.