Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: “Gia cố” trụ cột an sinh (Bài 5)

Sỹ Hào - 08:04, 21/08/2024

Ở vùng DTTS và miền núi, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) là rất khả quan, nhưng thiếu bền vững do còn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Do đó, việc thu thập thông tin về BHYT ở hộ DTTS trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, có ý nghĩa quan trọng để có cơ sở hoạch định chính sách BHYT trong giai đoạn mới, từ đó “gia cố” trụ cột an sinh này ở vùng khó khăn.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: “Gia cố” trụ cột an sinh (Bài 5)
Từ nguồn lực đầu tư của Chương trình MTQG 1719, nhiều địa bàn ở vùng DTTS và miền núi tiếp tục ra khỏi danh sách xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; đồng nghĩa nhiều người DTTS đang được hỗ trợ đóng BHYT sẽ thôi hưởng chính sách. (Trong ảnh: Tuyến đường liên xã qua địa bàn xã Xốp, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum được đầu tư từ vốn Chương trình MTQG 1719 - Ảnh: Ngọc Chí)

Chính sách hỗ trợ quyết định diện bao phủ

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 14,116 triệu nhân khẩu là người DTTS (với khoảng 3,6 triệu hộ), tăng khá nhiều so với 5 năm trước. Năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, quy mô dân số của 53 DTTS tại Việt Nam đạt khoảng 14,1 triệu người.

Cũng tại thời điểm năm 2019, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ người DTTS trên địa bàn vùng DTTS và miền núi có thẻ BHYT đạt 93,5%; cao hơn bình quân chung cả nước (90%). Đặc biệt, một số tỉnh thuộc vùng DTTS và miền núi có tỷ lệ bao phủ BHYT cao như: Điện Biên, Lào Cai, Sóc Trăng, Cao Bằng, Thái Nguyên, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Quảng Nam,... đều đạt từ 90% đến 97%.

Trước đó 5 năm (năm 2015), cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cũng đã cho kết quả, tỷ lệ bao phủ BHYT ở vùng DTTS và miền núi là 91%, cao hơn mức bình quân chung cả nước. Đây là một trong những cơ sở để Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 – 2020, tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016.

Chính sách BHYT ở Việt Nam chính thức được khai sinh tại Nghị định số 299-HĐBT, ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Năm 2008, Luật BHYT được ban hành, là bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT, hướng tới thực hiện BHYT toàn dân. Luật BHYT đã 02 lần được sửa đổi (năm 2014 và năm 2024).

Trong Quyết định này, với các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ,...), đến hết năm 2020, chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao cũng không quá 90,1%; nhưng với hầu hết các tỉnh vùng DTTS và miền núi đều được giao mức cao hơn. Trong đó, với tỉnh Điện Biên, chỉ tiêu BHYT đến hết năm 2020 được giao là 98,5%; Hà Giang là 98,2%; Lai Châu là 96,8%; Lào Cai là 98,8%,...

Giai đoạn 2022 – 2025, chỉ tiêu thực hiện BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022; nhiều địa phương vùng DTTS và miền núi tiếp tục được giao chỉ tiêu cao hơn trung bình cả nước. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao, đến năm 2025, tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước đạt 95,15%; riêng tỉnh Điện Biên phải đạt 98%; các tỉnh: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang đều phải đạt 97%; Bình Định đạt 96,15%;...

Vì sao nhiều tỉnh vùng DTTS và miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn lại được giao chỉ tiêu bao phủ BHYT cao hơn bình quân chung cả nước, thậm chí có tỉnh được giao chỉ tiêu gần chạm “mức trần”?.

Thực tế cho thấy, ngoài căn cứ vào kết quả thực tế đạt được trong những năm qua (được thu thập dữ liệu từ các cuộc điều tra; trong đó có điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS), thì việc giao chỉ tiêu BHYT cho các địa phương vùng DTTS và miền núi còn căn cứ vào số lượng địa bàn, đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ BHYT từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: “Gia cố” trụ cột an sinh (Bài 5) 1
Ở vùng DTTS và miền núi, mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT rất cao, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng BHYT để khám chữa bệnh lại rất thấp. (Trong ảnh: Khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đồng bào DTTS tại xã Dương Quang, TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn)

Chính sách hỗ trợ BHYT cho đồng bào DTTS chính thức được “luật hóa” khi Quốc hội khóa XII ban hành Luật BHYT ngày 14/11/2008. Triển khai luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định, Quyết định; gần đây nhất là Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Thực hiện chính sách của Nhà nước, theo số liệu từ Bộ Tài chính, mỗi năm, các địa phương vùng DTTS và miền núi đã được bố trí hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng được thụ hưởng, trong đó chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống ở địa bàn khó khăn, theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Đơn cử tại Kon Tum, từ năm 2019 đến hết tháng 3/2022, gần 485,5 tỷ đồng đã được chi để đóng và hỗ trợ đóng 736.176 lượt thẻ BHYT người DTTS. Còn tại tỉnh Bình Phước, dự kiến giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh sẽ bố trí gần 33 tỷ đồng mỗi năm để đóng và hỗ trợ đóng BHYT cho đồng bào DTTS và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh...

Định hướng chính sách dài hạn

Những số liệu nêu trên cho thấy, ngân sách nhà nước là nguồn lực chính trong việc duy trì và mở rộng diện bao phủ BHYT ở hầu hết các địa phương vùng DTTS và miền núi. Khi diện thụ hưởng chính sách bị thu hẹp, lập tức kéo theo sự sụt giảm mạnh của tỷ lệ tham gia BHYT ở địa bàn này.

Rõ nhất là, từ tháng 6/2021, sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg, khoảng 1.800 xã vùng DTTS và miền núi đã thoát khỏi diện nghèo (ra khỏi danh sách xã khu vực III, khu vực II). Vì thế, hàng triệu người thôi hưởng các chính sách của giai đoạn trước, nhiều nhất là chính sách BHYT.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2022, riêng thẻ BHYT phải qua các kênh vận động, các nhà tài trợ để giúp cho người dân vào khoảng 2,8 triệu thẻ. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến chuyện hoàn thành không chỉ là chỉ tiêu tỷ lệ mà còn là tính bền vững của BHYT”.
ĐBQH Đinh Ngọc Quý
Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai (Cho ý kiến vào kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Dưới tác động của Quyết định số 861/QĐ-TTg, theo thống kê của BHXH Việt Nam, đến cuối năm 2021, cả nước giảm khoảng 3,1 triệu người tham gia BHYT, trong đó có khoảng 2,3 triệu người DTTS, đã rời khỏi trụ chính sách an sinh trụ cột này. 

Một số địa phương giảm sâu số người DTTS tham gia BHYT như: Đắk Lắk giảm 194,6 nghìn người; Sóc Trăng giảm 200 nghìn người; Sơn La giảm 180 nghìn người; Thanh Hóa giảm 183,3 nghìn người…

Không chỉ giảm nhanh, giảm sâu mà theo đánh giá của BHXH Việt Nam, việc “kéo” lại tỷ lệ bao phủ BHYT ở các địa phương vùng DTTS và miền núi như trước thời điểm có Quyết định số 861/QĐ-TTg cũng rất khó khăn. Điều này trực tiếp tác động đến việc thực hiện mục tiêu đạt 95,15% dân số tham gia BHYT vào năm 2025, theo Quyết định số 546/QĐ-TTg, ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm hỗ trợ người dân ở những địa bàn vừa thoát nghèo, ngày 19/10/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP. Trong đó, Chính phủ đã bổ sung người DTTS đang sinh sống tại các địa bàn vừa thoát nghèo tiếp tục được hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước; với định mức hỗ trợ là 70%.

Đây là một nỗ lực để duy trì trụ cột an sinh ở vùng “lõi nghèo” của cả nước, tạo điều kiện để đồng bào DTTS có thêm thời gian tích lũy kinh tế. Nhưng do đây là chính sách phát sinh nên chỉ được thực hiện trong ngắn hạn (thời gian hỗ trợ 36 tháng, kể từ ngày 01/11/2023, sẽ hết hạn ngày 01/11/2026).

Cũng cần xác định rằng, từ năm 2026, với nguồn lực đầu tư trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vùng DTTS và miền núi tiếp tục có nhiều địa bàn thoát khỏi danh sách xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; đồng nghĩa nhiều người DTTS đang được hỗ trợ đóng BHYT sẽ thôi hưởng chính sách.

Do vậy, việc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 càng có ý nghĩa quan trọng để làm cơ sở định hướng tham mưu, xây dựng chính sách về BHYT cho đồng bào DTTS trong dài hạn, tránh tình trạng phải “chữa cháy” như hiện nay.

Bên cạnh đó, cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 sẽ đưa ra những thông số quan trọng về hiệu quả của chính sách hỗ trợ BHYT từ năm 2019 đến nay. Nói đơn giản là, Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm đối với đồng bào DTTS; nhưng đồng bào có sử dụng BHYT như là một trụ cột an sinh để vươn lên hay không? 

Câu hỏi này sẽ được trả lời từ kết quả của cuộc điều tra đang được tiến hành ở 54 tỉnh, thành phố trên cả nước, từ ngày 01/7 đến ngày 15/8/2024.

Hoạch định chính sách từ kết quả điều tra thực trạng kinh tế hộ DTTS: “Gia cố” trụ cột an sinh (Bài 5) 3
Để duy trì, mở rộng diện bao phủ BHYT ở vùng DTTS và miền núi; đồng thời tăng tỷ lệ khám chữa bệnh bằng BHYT của đồng bào các dân tộc, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đồng bào nhận thức rõ, BHYT là chính sách an sinh lâu dài, là “điểm tựa” cho người dân mỗi khi xảy ra ốm đau, bệnh tật. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin này cần thiết phải được điều tra, phân tích để bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước chắt chiu từng đồng không bị lãng phí. Bởi lâu nay, ở vùng DTTS và miền núi, mặc dù tỷ lệ bao phủ BHYT rất cao, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng BHYT để khám chữa bệnh lại rất thấp.

Tại thời điểm năm 2019, kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS cho thấy, tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh chỉ đạt 43,7%. Trong khi, tại thời điểm đó, theo số liệu của Bộ Y tế, khoảng 78,8% trạm y tế xã đã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT, có thể thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã.

Sau 5 năm tính từ cuộc điều tra lần thứ hai đến nay, thống kê riêng từ các địa phương cho thấy, tỷ lệ đồng bào DTTS khám chữa bệnh bằng BHYT vẫn còn thấp. Đơn cử tại An Giang, từ năm 2021 đến tháng 4/2024, toàn tỉnh đã cấp 389.435 thẻ BHYT cho đồng bào DTTS; giai đoạn 2021 – 2023 chỉ có 75.142 lượt người DTTS khám chữa bệnh BHYT, số tiền chi trả gần 42 tỷ đồng; trong 4 tháng đầu năm 2024 có 9.397 lượt người DTTS khám, chữa bệnh BHYT, số tiền chi khám, chữa bệnh BHYT trên 5,8 tỷ đồng.

Thực tế đó cho thấy, để duy trì, mở rộng diện bao phủ BHYT ở vùng DTTS và miền núi; đồng thời tăng tỷ lệ khám chữa bệnh bằng BHYT của đồng bào các dân tộc, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để đồng bào nhận thức rõ, BHYT là chính sách an sinh lâu dài, là “điểm tựa” cho người dân mỗi khi xảy ra ốm đau, bệnh tật. 

Vì vậy, cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 được kỳ vọng sẽ cung cấp đầy đủ dữ liệu của đồng bào DTTS để các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động hiệu quả, từ đó “gia cố” trụ cột an sinh này ở vùng DTTS và miền núi.

Với chính sách hỗ trợ BHYT cho người dân, chủ yếu là cho đồng bào DTTS, tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đã tăng nhanh. Năm 2008, cả nước mới có 39,7 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ đạt 46,1% dân số. Đến năm hết năm 2023, toàn quốc đã có trên 93,6 triệu người tham gia BHYT, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2008, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 93,35% dân số. Tuy nhiên, trong 6 tháng năm 2024, diện bao phủ BHYT lại đang sụt giảm, với 92,131 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ là 91,86% dân số.