Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hoàn thiện chính sách hỗ trợ khởi nghiệp: Kéo gần khoảng cách giữa khát vọng với hành động

Sỹ Hào - 10:01, 19/08/2020

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) vốn đã khó khăn lại càng chật vật hơn. Để các DNKN thành công, bên cạnh nỗ lực tự thân thì họ rất cần các chính sách hỗ trợ, cả trước mắt cũng như lâu dài.

Dự án “Phở sắn Caromi” đã được hiện thực hóa, nhưng hiện gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Dự án “Phở sắn Caromi” đã được hiện thực hóa, nhưng hiện gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Chồng chất khó khăn

Cái khó nhất đối với các DNKN chính là nguồn tài chính để đưa dự án vào hoạt động. Vốn dĩ, các DNKN thường không có tài sản thế chấp, nên dù thời điểm nào đi nữa cũng không dễ vay được vốn từ ngân hàng. Ngoài ra, DNKN có hệ số rủi ro rất cao, nên đa số các ngân hàng chẳng mặn mà.

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước hiện không chi để hỗ trợ khởi nghiệp. Theo Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước chỉ hỗ trợ “hệ sinh thái” (tức là về môi trường, đào tạo…) để khuyến khích các DNKN. Do đó, dù rất đam mê nhưng thiếu vốn, nhiều DNKN vừa mới hoạt động thì đã lâm vào cảnh “chết yểu”.

Một thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong tổng số khoảng 3.200 DNKN đã đăng ký hoạt động tính đến thời điểm này, có tới 29% doanh nghiệp “chạy” được một thời gian thì hết vốn. Ngay cả với những DNKN được xem là thành công thì cũng không dễ vượt qua sóng gió khi xảy ra những biến cố.

Công ty CP Caromi ở huyện miền núi và vùng đồng bào DTTS Quế Sơn (Quảng Nam) là một ví dụ. Khởi nghiệp từ sản phẩm “Phở sắn Caromi” (đạt giải Nhất tại cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2018), doanh nghiệp này đã đưa món quà quê của đồng bào các DTTS Quế Sơn đến với người tiêu dùng ở nhiều địa phương trên cả nước.

Nhưng hiện dự án khởi nghiệp này có nguy cơ “đột tử” vì đại dịch Covid-19. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp tồn kho hơn 1 tấn phở sắn, do nhiều khách hàng tạm dừng nhập hàng.

Khi thị trường vừa hoạt động trở lại, doanh nghiệp lên phương án tiêu thụ sản phẩm thì từ giữa tháng 7, dịch Covid-19 quay trở lại, với tâm dịch là Quảng Nam, Đà Nẵng - hai thị trường chính của “Phở sắn Caromi”. Diễn biến của dịch bệnh hiện vẫn rất phức tạp nên Công ty CP Caromi cùng với 30 lao động của doanh nghiệp này đang đứng trước nguy cơ đóng cửa, mất việc làm.

Tháo gỡ về vốn

Chính vì khó khăn chồng chất như vậy nên hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp của nước ta đang tồn tại một khoảng cách rất lớn giữa khát vọng và hành động. Một khảo sát của VCCI cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm nước có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới, nhưng khả năng hiện thực các ý tưởng sáng tạo thì lại nằm trong 20 nước thuộc nhóm cuối cùng; hạn chế về vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng.

Để tháo gỡ, các DNKN đã tìm đến sự giúp đỡ từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), trực tiếp là Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNVVN. Nhưng đa số DNKN phải thất vọng vì một trong những nguyên tắc của Quỹ này là phải bảo toàn nguồn vốn. Với một doanh nghiệp bình thường thì việc phá sản, vỡ nợ là hoàn toàn có thể xảy ra, chứ đừng nói DNKN. Do đó, yêu cầu bảo toàn đồng vốn mới được tiếp cận vốn vay là quá khó đối với các DNKN.

Ngay cả với Bộ Khoa học và Công nghệ - nơi “chắp cánh” cho những ước mơ khởi nghiệp, hiện cũng chưa thiết kế được những chính sách cụ thể, sát sườn để hỗ trợ các DNKN. Gần đây nhất, đơn vị này mới ban hành được 6 gói hỗ trợ truyền thông cho các dự án khởi nghiệp; bắt đầu triển khai từ tháng 7 đến hết tháng 12/2020.

Rõ ràng, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp thì cần sớm có những giải pháp tháo gỡ những rào cản về chính sách vốn cho các DNKN. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có cơ chế tài chính và cơ chế thuế đặc thù cho DNKN; có như vậy mới kéo gần khoảng cách giữa khát vọng với hành động, giữa ý tưởng với khả năng thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục
Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Quyết sách giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Nam phát triển bền vững

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719) được xem là một quyết sách đặc biệt giúp Quảng Nam thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả, làm đổi thay bộ mặt của vùng DTTS và miền núi của tỉnh.