Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thanh niên dân tộc thiểu số khởi nghiệp làm giàu

Thúy Hồng - 11:13, 25/10/2019

Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên DTTS xuất sắc, tiêu biểu toàn quốc lần thứ 7 năm 2019 có một điểm mới so với những năm trước là trong thành phần được tuyên dương có thêm đối tượng thanh niên. Anh Lường Đình Hùng, dân tộc Tày, thôn Nà Chào, xã Như Cố, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) và anh Vì Văn Bình, dân tộc Thái ở bản Áng, Chiềng Mai, huyện Mai Sơn (Sơn La) là hai trong số nhiều gương mặt thanh niên tiêu biểu dự kiến sẽ được tuyên dương trong dịp này.

Các sản phẩm của HTX Như Cố được đông đảo người tiêu dùng biết đến và chọn lựa.
Các sản phẩm của HTX Như Cố được đông đảo người tiêu dùng biết đến và chọn lựa.

Người nâng giá trị nông sản của địa phương

Với cương vị là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Như Cố, Lường Đình Hùng luôn trăn trở làm sao để các mặt hàng nông sản của địa phương đến với người tiêu dùng nhiều hơn, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

“Hùng đã mạnh dạn kêu gọi góp vốn, sức người, sức của thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh niên Như Cố do Đoàn xã Như Cố quản lý, định hướng và đứng ra tổ chức hoạt động với 11 thành viên chính thức”, Lường Đình Hùng cho biết.

Năm 2017, Hùng cùng các đoàn viên thanh niên của xã thành lập HTX. Sau một năm, hoạt động của HTX đã đi vào ổn định. HTX đã đa dạng hóa các loại cây trồng để tạo việc làm và tăng nguồn thu nhập cho các thành viên.

Các sản phẩm chính của HTX là sản xuất rau an toàn, chế biến chè, trà mướp đắng rừng, chăn nuôi gà thịt. Đối với sản xuất rau an toàn, HTX đã đưa vào trồng các loại cây như dưa lê trái vụ, dưa lưới, thanh long ruột đỏ, rau bò khai… Ngoài ra, HTX còn nuôi 6.000 con gà/lứa, hơn 200 đôi chim bồ câu Pháp; nuôi ong lấy mật với sản lượng 3.000 lít/năm; 01 cơ sở sản xuất bún khô, sản lượng 25 tấn/năm.

Đặc biệt hiện nay, HTX tiếp tục cùng các hộ dân triển khai trồng khoảng 2,5 ha thanh long  ruột đỏ, xây dựng thêm nhà lưới CNC quy mô 100 m². Trong năm 2018 các sản phẩm Trà Như Cố và Trà mướp đắng rừng của HTX đã được công nhận sản phẩm của OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Kạn.

Hiện nay sản phẩm rau, quả an toàn của HTX sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Tổng doanh thu hằng năm của HTX đạt 1,98 tỷ đồng, thu lãi 590 triệu đồng. Tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 50 lao động mùa vụ với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Năm 2018, Hùng đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen thanh niên DTTS khởi nghiệp.

 Anh Vì Văn Bình kiểm tra sản phẩm nấm của công ty.
Anh Vì Văn Bình kiểm tra sản phẩm nấm của công ty.

Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng

Được học hành bài bản, tốt nghiệp Khoa Nông lâm - Trường Đại học Tây Bắc năm 2010, Vì Văn Bình (sinh năm 1987) có nhiều cơ hội để làm việc trong cơ quan nhà nước, nhưng anh lại chọn cho mình con đường khởi nghiệp bằng nghề trồng nấm.

Vì Văn Bình kể, khi mới khởi nghiệp anh chỉ có 10 triệu đồng trong tay. Để có vốn phát triển sản xuất, anh cùng những người bạn góp vốn xây dựng mô hình trồng nấm và thành lập Công ty CP Phát triển nông nghiệp Sơn La.

Trong 2 năm đầu, việc sản xuất đã gặp rất nhiều khó khăn. Do không có kinh nghiệm nên hàng loạt những bịch nấm lần lượt chết yểu, thối rữa và không cho thu hoạch. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, cộng thêm tính ham học hỏi, anh đã làm lại từ đầu với việc tìm hiểu thêm về kỹ thuật trồng nấm trên mạng internet cũng như đi thăm quan tại nhiều mô hình ở các tỉnh thành khác. Từ đó, mô hình trồng nấm của anh dần dần đã mang lại hiệu quả.

Hiện tại, anh đã mở rộng diện tích trồng nấm với quy mô lên tới hơn 4.000m2. Trang trại nấm của anh Bình đang trồng chủ yếu các loại như nấm giò, nấm rơm, nấm mỡ, nấm kim châm. Sản lượng bình quân đạt khoảng 130 tấn/năm, giá bán ra thị trường khoảng 35.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ được phân phối rộng khắp trên địa bàn tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Hưng Yên… Doanh thu bình quân khoảng hơn 3,5 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương với mức lương trung bình 4 triệu đồng/tháng. 


Tin cùng chuyên mục
Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Chính sách dân tộc làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS ở Mường Nhé

Những năm gần đây, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã được huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng giúp đồng bào DTTS trên địa bàn huyện thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện cuộc sống.