Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hoạt động kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách dân tộc: Nhìn từ thực tiễn (Bài 1)

Thuý Hồng - 17:19, 02/07/2022

Hoạt động kiểm tra, giám sát của Quốc hội, MTTQ, HĐND các cấp và vai trò giám sát của cộng đồng đã nâng cao hiệu lực hiệu quả các chương trình, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình đầu tư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát sẽ kịp thời phát hiện những vướng mắc, tồn tại, giúp các cấp chính quyền, cơ quan tham mưu kịp thời điều chỉnh để chính sách phù hợp với từng giai đoạn và thực tiễn ở địa phương.

Với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, việc tăng cường kiểm tra, giám sát sau hỗ trợ là rất quan trọng. (Trong ảnh: Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, Sơn La kiểm tra bò giống của người dân ở xã Phỏng Lái)
Với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, việc tăng cường kiểm tra, giám sát sau hỗ trợ là rất quan trọng. (Trong ảnh: Cán bộ Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu, Sơn La kiểm tra bò giống của người dân ở xã Phỏng Lái)

Góp phần nâng cao đời sống của đồng bào

Thừa Thiên Huế là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, với 55.091 nhân khẩu, thuộc các dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Bru Vân Kiều... Trong nhiều năm qua, từ các chương trình chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi Thừa Thiên Huế đã có bước phát triển, đời sống đồng bào DTTS đã có nhiều khởi sắc.

Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, các công trình, dự án được đầu tư trên địa bàn được triển khai thực hiện hiệu quả. Thông qua nguồn lực từ dự án phát triển sản xuất, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện thụ hưởng Chương trình, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các DTTS. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 21,9% tổng số hộ nghèo của tỉnh và 19,8% so với tổng số hộ là đồng bào DTTS.

Theo ông Nguyễn Chí Tài, nguyên Phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, thì qua quá trình kiểm tra giám sát, chỉ mới phát hiện một số ít địa phương lựa chọn công trình, dự án đầu tư trên địa bàn chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và đã điều chỉnh kịp thời, chưa phát hiện sai phạm nghiêm trọng đến mức phải xử lý bằng pháp luật.

Còn tại Lào Cai, để nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tp. Lào Cai (chủ yếu là xã Thống Nhất), tháng 9/2020, Ban Dân tộc HĐND Tp. Lào Cai đã thành lập tổ giám sát chuyên đề này.

Qua giám sát của Ban Dân tộc HĐND Tp. Lào Cai cho thấy, 2 năm 2019 - 2020, dân tộc rất ít người (người Xa Phó, một nhánh thuộc dân tộc Phù Lá) trên địa bàn Tp. Lào Cai (chủ yếu được thực hiện tại các thôn của xã Thống Nhất), được hưởng lợi trên 10 tỷ đồng. Bao gồm hạng mục: Đầu tư xây dựng cơ bản; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần; thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế…

Từ việc thực hiện chính sách đã tạo điều kiện cho người DTTS rất ít người của Tp. Lào Cai được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước ban hành; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; thực hiện đạt mục tiêu của Quyết định.

Đặc biệt, từ chính sách về duy trì bảo tồn văn hóa truyền thống của người Xa Phó, được triển khai thực hiện theo kế hoạch; qua việc bảo tồn tiếng nói, trang phục, duy trì bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Xa phó, đã tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu và có kiến thức để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Đoàn công tác kiểm tra tiến độ, chất lượng xây dựng nhà ở cho hộ dân nghèo thôn Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 - 2022
Đoàn công tác kiểm tra tiến độ, chất lượng xây dựng nhà ở cho hộ dân nghèo thôn Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 - 2022

Kịp thời phát hiện thiếu sót, vướng mắc

Năm 2007, Dự án phát triển cây cao su của tỉnh Sơn La có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, được triển khai tại 133 bản, tiểu khu thuộc 19 xã, thị trấn của 6 huyện Vân Hồ, Yên Châu; Thuận Châu; Mai Sơn; Mường La. Công ty Cổ phần Cao su Sơn La thành lập 5 nông trường, 1 đội sản xuất và 1 nhà máy chế biến, nhằm tập trung đưa cây cao su vào canh tác đồng bộ, tạo vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến. Đây là dự án được kỳ vọng góp phần xây dựng nông thôn mới của một tỉnh miền núi, với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, sau 14 năm triển khai thực hiện, dự án trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh đã gặp nhiều vướng mắc, khiến người dân đã có nhiều kiến nghị, bức xúc. Qua giám sát, trong giai đoạn 2017 - 2021, có 29 kiến nghị cử tri gửi đến các huyện và Công ty Cổ phần Cao su Sơn La. Nội dung các kiến nghị chủ yếu liên quan đến việc thực hiện các chế độ chính sách của HĐND tỉnh đối với người dân góp đất, liên quan đến việc trả lại đất cho Nhân dân, chia sản phẩm đối với diện tích đất góp, đất cộng đồng...

Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, liên quan đến thực hiện chính sách đối với các hộ dân góp đất trồng cây cao su trên địa bàn.

Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh Sơn La về dự án trồng cao su đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những kiến nghị của cử tri trên địa bàn. (Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Cao su Sơn La thực hành cạo mủ cao su - Ảnh: TL)
Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát của HĐND tỉnh Sơn La về dự án trồng cao su đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những kiến nghị của cử tri trên địa bàn. (Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Cao su Sơn La thực hành cạo mủ cao su - Ảnh: TL)

Trên cơ sở đánh giá giám sát, kết quả đã giải quyết xong 7/29 kiến nghị, còn 20/29 kiến nghị đang giải quyết, 2/29 kiến nghị không có cơ sở để giải quyết. Bên cạnh đó, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã đề nghị Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Sơn La, UBND tỉnh và UBND các huyện nhanh chóng giải quyết những vấn đề cử tri đang bức xúc, kiến nghị.

Nhìn từ thực tiễn, công tác kiểm tra, giám sát luôn được các cấp triển khai, kịp thời giải quyết những vướng mắc, nổi cộm từ địa phương tới các bộ, ngành. Đặc biệt, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát, kiểm tra thực hiện “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021”. Qua giám sát, Đoàn phát hiện nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến việc ban hành văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc của các bộ, ngành.

Đơn cử như, việc ban hành chậm các văn bản sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như: Thông tư số 07/2018/TT-BYT, ngày 12/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ảnh hưởng đến việc bán thêm thuốc tại quầy thuốc ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hay như việc chậm ban hành Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC hướng dẫn thực hiện chính sách nội trú quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg trong thời gian 7 tháng đã khiến học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp thuộc đối tượng thụ hưởng chưa được hưởng chính sách gặp khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng tới điều kiện sinh hoạt, học tập của con em đồng bào DTTS. 

Từ hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời những bức xúc, nổi cộm, những chính sách chưa phù hợp để có giải pháp điều chỉnh, khắc phục, góp phần thực hiện hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước.