Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hoạt động tuyên truyền hướng đến nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào

PV - 08:27, 01/02/2018

Làm thế nào để cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tầng lớp nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) ở vùng DTTS và miền núi. Nhân dịp đầu Xuân năm mới, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải đã chia sẻ với Báo Dân tộc và Phát triển xung quanh nội dung này.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải trao quà lưu niệm đến các tỉnh tham gia Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ-Bạc Liêu 2017. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Lê Sơn Hải trao quà lưu niệm đến các tỉnh tham gia
Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ-Bạc Liêu 2017.

 

Công tác TTPBGDPL ở vùng DTTS và miền núi thời gian qua có những điểm nhấn nào, cả trong lĩnh vực xây dựng chính sách cũng như trong thực tiễn triển khai ở cơ sở, thưa ông?

Trong những năm qua, công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nói chung và các chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban ngành trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh các chương trình, kế hoạch, các đợt tổ chức tuyên truyền pháp luật định kỳ, cũng như phát huy các hình thức tuyên truyền pháp luật tại cơ sở (qua hệ thống truyền thanh, các câu lạc bộ pháp luật, các hội thi tìm hiểu pháp luật,…), chúng ta cũng đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách cấp báo tạp chí không thu tiền cho vùng ĐBKK.

Nhờ đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã được chuyển tải đến với người dân ở cả những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhất; góp phần củng cố thêm khối đoàn kết dân tộc. Đồng bào các dân tộc đã chung sức để xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, tiếp cận và ứng dụng với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, học tập làm theo các gương sản xuất giỏi để vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Để thực hiện tốt hơn nữa công tác này, ngày 08/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1163/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”. Một trong những mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2021, trên 70% đồng bào vùng DTTS và miền núi được phổ biến giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Cũng trong năm 2017, Đề án “Thí điểm cấp ra-đi-ô cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới” cũng đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1860/QĐ-TTg, ngày 23/11/2017. Đối tượng được thụ hưởng là già làng, trưởng thôn, bản, Người có uy tín, các chức sắc tôn giáo ở các thôn ĐBKK thuộc các xã khu vực III ở 10 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Đăk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh, Kiên Giang. Việc triển khai hai đề án này được kỳ vọng sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác TTPBGDPL.

Hoạt động TTPBGDPL cũng đã được bố trí nguồn lực để thực hiện, nhưng thực tế, nhận thức, hiểu biết về pháp luật của đồng bào vùng DTTS và miền núi hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này?

Thời gian qua, các Ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm công tác TTPBGDPL đến với đồng bào vùng DTTS và miền núi. Tuy nhiên, các nơi đồng bào DTTS sinh sống vẫn đang tồn tại nhiều sinh hoạt, phong tục tập quán lạc hậu như cúng bái, mê tín dị đoan, các hủ tục trong ma chay, cưới hỏi... không phù hợp với nếp sống văn minh và tình hình phát triển của đất nước.

Đặc biệt là, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn góp phần làm suy giảm nòi giống. Theo quy định pháp luật, người nào có hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn, tùy theo mức độ vi phạm đối với từng trường hợp cụ thể có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặc dù vậy, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở vùng DTTS và miền núi vẫn còn rất cao. Theo một điều tra gần đây tại một số dân tộc như: Lô Lô, Si La, Pu Péo thuộc các tỉnh: Cao Bằng, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu cho thấy, cứ 100 cặp vợ chồng, có tới 13 cặp là hôn nhân cận huyết thống. Hay theo một số liệu khảo sát 10 xã ở tỉnh Lào Cai, có tới 100 cặp tảo hôn, chiếm trên 63% số dân. Cá biệt có những học sinh nữ mới 13 tuổi cũng bị bố mẹ bắt bỏ học lấy chồng…

Một vấn đề cũng cần phải quan tâm là hiện nay, tỷ lệ mù chữ, tái mù chữ ở vùng đồng bào DTTS vẫn còn rất cao, lại sinh sống ở những địa bàn xa xôi, hẻo lánh nên không tiếp cận được thông tin. Cộng với những khó khăn trong đời sống kinh tế, một bộ phần đồng bào rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo kích động, gây bất ổn về an ninh, trật tự và ảnh hưởng đến tình hình chính trị của đất nước.

Để đẩy mạnh công tác TTPBGDPL, theo ông, trong năm 2018 và những năm tiếp theo chúng ta cần phải chú trọng thực hiện những giải pháp gì?

Trước thực trạng trên, công tác TTPBGDPL thời gian tới cần phải đổi mới, cả về cách thức lẫn nội dung. Cốt lõi của công tác TTPBGDPL ở vùng DTTS và miền núi vẫn là làm thế nào để cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tầng lớp nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Những chính sách này không những góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn liền với bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân theo hướng phát triển bền vững.

Cũng cần lưu ý là, trước đây chúng ta thường nghiêng về tuyên truyền các chính sách giảm nghèo. Nay cùng với giảm nghèo thì cần chú trọng tuyên truyền nâng cao trình độ dân trí để làm sao cho bà con nhận thức được những hành động, việc làm trái với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Chẳng hạn như phải tập trung tuyên truyền, vận động để đồng bào dần dần từ bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, ốm đau nên đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, không tự ý cúng bái và để xảy ra các tình trạng đáng tiếc. Hay làm cách nào để giúp bà con hiểu hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết, từ đó có ý thức giảm thiểu, tiến tới xóa bỏ. Mục đích của những nội dung tuyên truyền này, xét cho cùng cũng hướng tới nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS và MN.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích…Xung quanh vấn đề này Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.