Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Học nghề - Xu hướng lựa chọn của nhiều học sinh vùng cao

PV - 11:25, 26/08/2019

Những năm gần đây, tình trạng thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học tác động không nhỏ đến định hướng nghề nghiệp của các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Học đại học hay học nghề, ra trường mục tiêu cuối cùng của các em là được đi làm. Với quan niệm đó, tại tỉnh miền núi Lào Cai hàng nghìn học sinh đã từ chối môi trường đại học, đăng ký theo học nghề.

Tốt nghiệp THPT năm 2019 với số điểm 26,5; cô học trò nghèo Vi Thị Nhung, dân tộc Tày ở huyện Văn Bàn có thể lựa chọn cho mình được rất nhiều trường đại học. Tuy nhiên, Nhung đã chọn theo học ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và lữ hành thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai.

“Bây giờ đi học đại học thời gian dài, lại thêm tốn kém; hơn nữa ra trường rồi chẳng biết có xin được việc làm không. Em lựa chọn học nghề Quản trị du lịch vì em được biết hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, dịch vụ du lịch đang rất phát triển, nhu cầu nhân lực lớn lên em tự tin ra trường có thể có việc đi làm ngay”, Nhung tâm sự.

Học nghề đã và đang là lựa chọn của học sinh tỉnh Lào Cai. Học nghề đã và đang là lựa chọn của học sinh tỉnh Lào Cai.

So với các năm học trước, trong mùa tuyển sinh năm nay Trường Cao đẳng Lào Cai số lượng học sinh đăng ký tham gia học nghề tại trường đã có sự gia tăng rõ rệt. Tính đến tháng 8 năm 2019, nhà trường đã làm thủ tục nhập học cho 1.343 học sinh, sinh viên hệ cao đẳng và trung cấp chính quy, trong đó có 555 em đã tốt nghiệp trung học phổ thông và 788 em tốt nghiệp trung học cơ sở, gấp đôi so với mùa tuyển sinh năm học 2018. Theo kế hoạch năm 2019, nhà trường sẽ tuyển sinh 1.700 em hệ cao đẳng và trung cấp chính quy; đưa số lượng đào tạo của nhà trường lên 5.500 em.

Một trong những nguyên nhân khiến các em học sinh có xu hướng lựa chọn học nghề trong những năm gần đây, bởi tư duy và nhận thức của các em và gia đình đã có sự thay đổi. Thay vì cứ nhất thiết phải học đại học, thì giờ đây lựa chọn trường nghề cho tương lai của mình để phù hợp với năng lực, hoàn cảnh và đam mê mới là đi đúng hướng, sát thực tế.

Em Lê Thị Hương Quỳnh, ở xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng cho biết: “Ở xã em nhiều anh chị học xong đại học bây giờ vẫn ở nhà hoặc đi làm nghề như sửa xe máy, điện, nước chứ rất ít người được đi làm theo đúng chuyên môn được đào tạo tại trường đại học. Ngược lại, hầu hết các anh chị đi học nghề về thì đều đã đi làm tại các nhà máy, doanh nghiệp mà thu nhập cũng rất ổn định”.

Theo đánh giá của lãnh đạo Trường Cao đẳng Lào Cai, đầu vào tuyển sinh năm nay chất lượng cao hơn rất nhiều so với các năm học trước. Nhiều em học sinh tốt nghiệp với số điểm cao vẫn lựa chọn học nghề tại nhà trường. Điều này đã và đang phản ánh nhu cầu thực của xã hội.

Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Theo thống kê, tỷ lệ các em học sinh, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định luôn đạt gần 80%. Để làm được điều đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng trong công tác dạy và học, nhà trường tập trung đào tạo nghề theo địa chỉ. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo theo đơn đặt hàng.

“Hiện nay, nhà trường đang thiếu khoảng 500 chỉ tiêu cung ứng cho doanh nghiệp; trong đó, có 300 chỉ tiêu doanh nghiệp đề nghị đào tạo để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và Hàn Quốc, với mức thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/năm”, ông Đạt cho biết thêm.

Tình trạng thừa “thầy” thiếu “thợ” đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, trong đó có Lào Cai. Có thể thấy, việc học nghề đem lại nhiều cơ hội phát triển và thu nhập ổn định cho các em học sinh, sinh viên bởi nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội. Tuy nhiên, để các em có lựa chọn nghề phù hợp, đòi hỏi cần tăng cường tư vấn, hướng nghiệp ngay trong các nhà trường; cùng với đó cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường dạy nghề trên địa bàn.

Theo thống kê, tỷ lệ các em học sinh, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định luôn đạt gần 80%. Để làm được điều đó, bên cạnh việc nâng cao chất lượng trong công tác dạy và học, nhà trường tập trung đào tạo nghề theo địa chỉ. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo theo đơn đặt hàng”. (Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lào Cai).

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Top 10 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu cả nước

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2023. Đây là tài liệu chính thức của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu của từng nhóm mặt hàng, thị trường, tình hình tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu.