Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Hoàng Quý - 15:33, 26/09/2022

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh VGP)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh VGP)

Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về phía Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tham dự.

Tiến độ giải ngân chưa được như kỳ vọng

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/9/2022 là 253.148,12 tỷ đồng. Đáng chú ý, số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 là 34.597,2 tỷ đồng, tăng khoảng 16%.

Riêng vốn ngân sách Trung ương giải ngân 89,911 tỷ đồng, đạt 37,78% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2021 cả về số tuyệt đối 13,664 tỷ đồng và về tỷ lệ giải ngân (cùng kỳ năm 2021 đạt 37,01%).

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), 2 cơ quan Trung ương và 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, 39/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước (46,70%), trong đó, 14 bộ, cơ quan Trung ương và một địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về 3 chương trình mục tiêu quốc gia, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2022, kế hoạch vốn các chương trình mục tiêu quốc gia phải giải ngân rất lớn, riêng vốn ngân sách Trung ương đã là hơn 34.000 tỷ đồng.

Tính đến ngày 23/9, đã có 47/52 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Trong đó, 29/52 địa phương đã phân bổ, giao 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương giao trên 90% kế hoạch, còn lại giao được trên 70% kế hoạch; 5/52 địa phương mới giao kế hoạch vốn đầu tư, chưa giao kinh phí sự nghiệp cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc; 1/52 địa phương (tỉnh Bạc Liêu) chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.

Theo đó, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại một số địa phương chưa bảo đảm thời hạn theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 23/9/2022, vẫn còn 1 địa phương (tỉnh Bạc Liêu) chưa hoàn thành việc giao kế hoạch vốn cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc; đồng thời, còn 5/52 địa phương chưa giao dự toán kinh phí sự nghiệp 3 chương trình cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc.

Đồng thời, việc thực hiện quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng tại các cấp ở hầu hết các địa phương chưa hoàn thành. Đến ngày 22/9/2022, có 39/52 địa phương vẫn đang trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn.

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã phát biểu nhiều ý kiến nêu rõ những khó khăn, hạn chế; định hướng, giải pháp và nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện trong giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo các bộ, ngành, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, một phần do vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách. Song nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giải ngân chưa đạt kỳ vọng, là do có khó khăn mang tính đặc thù của kế hoạch năm 2022, đặc biệt là yếu kém trong tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, năng lực quản lý, triển khai dự án của một số cán bộ còn hạn chế, khâu chuẩn bị đầu tư của các địa phương chưa tốt.

Đối với các địa phương, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công một phần do khâu tổ chức thực hiện còn hạn chế. Song một phần do nhiều bộ, ngành chưa có văn bản hướng dẫn triển khai các dự án thành phần nên địa phương lúng túng, không giám triển khai; một số chính sách có điều chỉnh; có một số vướng mắc trong quy định đối với nguồn vốn nước ngoài…

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Kết luận Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những kết quả mà các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực đạt được, đóng góp quan trọng vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Đáng chú ý, 36 bộ, cơ quan Trung ương và 14 địa phương trong 3 tháng liên tiếp của quý III/2022 có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.

Đồng tình với các bộ, ngành, địa phương khi nhận diện, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nguyên nhân chính là do nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn thiếu quan tâm, sâu sát, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm; người đứng đầu nhiều nơi chưa làm tròn trách nhiệm đối với công tác giải ngân đầu tư công; kỷ luật, kỷ cương trong công tác triển khai kế hoạch đầu tư công còn chưa nghiêm; công tác phối hợp còn chưa chặt chẽ, chưa thực chất, không hiệu quả…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công quy định tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, số 63/NQ-CP, số 124/NQ-CP, các Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; rà soát ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án chuyển tiếp, sắp xếp thứ tự ưu tiên khởi công mới các dự án trong năm 2023 bảo đảm tính khả thi, hoàn thành một số dự án trọng điểm, tạo động lực mới phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá.

Kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công, tránh dàn trải; chủ động ban hành kế hoạch và giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thẩm định, đấu thầu, chứng từ thanh quyết toán...; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Những tháng cuối năm 2022 sẽ có rất nhiều việc phải thực thi, hoàn thành, theo đó, bên cạnh việc ưu tiên thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo bảm các cân đối lớn, các bộ, ngành, địa phương phải dành thời gian cho công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiệm vụ này phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và trên tinh thần, trách nhiệm cao nhất vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì Nhân dân phục vụ.