Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Hội thảo về giáo dục song ngữ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

Hiếu Anh - 16:20, 28/01/2021

Ngày 28/1, tại trụ sở Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo tham vấn, vận động chính sách tái khởi động giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì Hội thảo.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho biết, để đánh giá hiệu quả thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, góp phần tháo gỡ khó khăn, tồn tại hiện nay, từ đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi chính sách giáo dục dân tộc cho phù hợp trong giai đoạn tới, Hội đồng Dân tộc tiến hành thực hiện khảo sát tình hình thực hiện giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại địa bàn tỉnh Lào Cai và An Giang. Qua giám sát, Hội đồng Dân tộc đánh giá cao việc thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật trong giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ ở vùng DTTS nói riêng. Nhìn chung giáo dục vùng DTTS có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, giáo dục song ngữ vùng DTTS và miền núi cũng còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cũng bày tỏ mong muốn, Hội thảo sẽ cung cấp thông tin, kinh ngiệm thực tiễn về tình hình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại các địa phương vùng đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần thay đổi chính sách một cách tích cực hơn.

Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ là một phương pháp tiếp cận giáo dục dựa trên cơ sở khoa học giáo dục. Phương pháp tiếp cận này đã được thử nghiệm đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh tiểu học dân tộc Mông, Gia Rai và Khmer (giai đoạn 2008- 2015) ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh. Giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ tiếp tục được nhân rộng với trẻ mẫu giáo và tiểu học dân tộc Mông ở Lào Cai, dân tộc Khmer ở An Giang giai đoạn 2010 - 2020. Kết quả giáo dục ở giai đoạn thử nghiệm và giai đoạn nhân rộng đã khẳng định tính phù hợp và khả thi của giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đối với những DTTS có đủ điều kiện để thực hiện.

Tại Hội thảo các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến vấn đề giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ. Theo đó, thông qua Hội thảo, Hội đồng Dân tộc đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có dự án 5: “Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi bổ sung Nghị định số 82/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ “Quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên”.

Cụ thể, bổ sung quy định về nội dung, phương pháp, kế hoạch dạy học song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ tại các nơi có điều kiện vào điều 5 của Nghị định. Bổ sung quy định về chính sách phụ cấp cho giáo viên dạy song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, hỗ trợ kinh phí công tác cho các sở giáo dục, trường học tham gia thực hiện giáo dục song ngữ vào khoản 1 điều 9 Nghị định, vì hiện nay giáo viên dạy song ngữ chưa có văn bản chính sách nào quy định chế chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc cho họ, mà được các địa phương vận dụng linh hoạt chi trả theo chế độ cho giáo viên dạy tiếng dân tộc như một bộ môn.

Hội đồng Dân tộc cũng đề nghị Chính phủ bổ sung về việc Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa song ngữ, tài liệu tham khảo dạy học song ngữ cho người học tham gia học tập giáo duc song ngữ vào khoản 2 điều 9 Nghị định. Đồng thời, bổ sung quy định về việc giao thêm biên chế cho các cơ sở giáo dục phổ thông dạy song ngữ tương ứng với định biên giáo viên/lớp vào khoản 3 điều 9 Nghị định.