Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Uyên Nhi - 10:23, 28/06/2023

Ngày 28/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2023. Môn thi đầu tiên sáng nay sẽ là môn Ngữ văn theo hình thức thi tự luận, trong thời gian 120 phút. Đây cũng là môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã tới kiểm tra điểm thi trường THPT Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và động viên học sinh, giáo viên, lực lượng tình nguyện tại ở điểm thi này. Ảnh: KTĐT
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tới kiểm tra điểm thi trường THPT Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và động viên học sinh, giáo viên, lực lượng tình nguyện tại ở điểm thi này. Ảnh: KTĐT

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, có 1.024.063 thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, đến chiều ngày 27/6, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 1.012.398 thí sinh, chiếm tỉ lệ 98,86% so với số đăng ký dự thi.

Toàn quốc có 63 hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi.

Theo Bộ GD&ĐT, các hội đồng thi đã thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ thí sinh làm thủ tục dự thi thuận lợi; phổ biến quy chế đầy đủ; báo cáo Ban Chỉ đạo các cấp các trường hợp cần phải điều chỉnh thông tin thí sinh. Bên cạnh đó, các hội đồng thi còn giúp đỡ thí sinh sửa chữa các sai sót trong quá trình đăng ký dự thi, tạo tâm lý tốt để thí sinh an tâm sẵn sàng tham gia kỳ thi.

Thí sinh tại điểm thi Trường phổ thông nội trú THCS&THPT huyện Si Ma Cai di chuyển từ khu nội trú vào điểm thi sáng 28-6 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Thí sinh tại điểm thi Trường phổ thông nội trú THCS&THPT huyện Si Ma Cai di chuyển từ khu nội trú vào điểm thi sáng 28-6 - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6. Trong đó, ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổ chức coi thi tốt nghiệp THPT vào 2 ngày 28 và 29/6/2023. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.

Sáng 28/6, hơn 1 triệu thí sinh trong cả nước bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận. Đây cũng là bài tự luận duy nhất trong cả kỳ thi. Thí sinh nhận đề từ 7h30, bắt đầu làm bài từ 7h35 và có 120 phút để hoàn thành bài thi này.

Cấu trúc đề thi môn Ngữ văn có 2 phần quen thuộc: Phần đọc hiểu (3 điểm): đề thi sẽ đưa ra một đoạn văn mẫu và từ đó đặt ra câu hỏi với độ khó được phân hóa theo từng câu, yêu cầu thí sinh giải quyết vấn đề được đặt ra từ đoạn văn bên trên.

Điểm thị tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai. Ảnh Ngọc Thu
Điểm thị tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai. Ảnh Ngọc Thu

Phần làm văn (7 điểm): gồm 2 câu, câu 1 làm văn về nghị luận xã hội, câu 2 làm văn về nghị luận văn học.

Buổi chiều, thí sinh dự thi môn Toán, kéo dài trong 90 phút dưới hình thức trắc nghiệm. Sáng 29/6, thí sinh làm bài thi trắc nghiệm môn tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), thời gian làm bài mỗi môn là 50 phút. Buổi chiều là thời gian làm bài trắc nghiệm môn Ngoại ngữ, thời gian làm bài 60 phút.

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý trong mỗi buổi thi, thí sinh phải có mặt tại phòng thi đúng thời gian quy định, chấp hành hiệu lệnh của ban coi thi và hướng dẫn của cán bộ coi thi. Thí sinh đến chậm quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài sẽ không được dự thi buổi thi đó.

Trong phòng thi, thí sinh phải tuân thủ các quy định sau đây: Trình thẻ dự thi cho cán bộ coi thi; ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình; trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh và thông tin của thí sinh vào đề thi, giấy thi, phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.

Khi nhận đề thi, phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 5 phút tính từ thời điểm phát đề thi.

Các thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tại điểm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai. Ảnh Ngọc Thu
Các thí sinh chuẩn bị vào phòng thi tại điểm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Gia Lai. Ảnh Ngọc Thu

Không được trao đổi, chép bài của người khác, sử dụng tài liệu trái phép để làm bài thi, hoặc có những cử chỉ, hành động gian lận, làm mất trật tự phòng thi. Nếu muốn có ý kiến phải giơ tay để báo cáo cán bộ coi thi; sau khi được phép, thí sinh đứng trình bày công khai với cán bộ coi thi ý kiến của mình. Không được đánh dấu hoặc làm ký hiệu riêng, không được viết bằng bút chì, trừ tô các ô trên phiếu trả lời trắc nghiệm; chỉ được viết bằng một màu mực (không được dùng mực màu đỏ).

Khi có hiệu lệnh hết giờ làm bài, thí sinh phải ngừng làm bài ngay; bảo quản nguyên vẹn, không để người khác lợi dụng bài thi của mình; phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý các trường hợp bài thi của mình bị người khác lợi dụng hoặc cố ý can thiệp.

Khi nộp bài thi tự luận, phải ghi rõ số tờ giấy thi đã nộp và ký xác nhận vào phiếu thu bài thi. Thí sinh không làm được bài cũng phải nộp tờ giấy thi (đối với bài thi tự luận), phiếu trả lời trắc nghiệm (đối với bài thi trắc nghiệm).

Không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.

Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát cứa cán bộ giám sát. Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng điểm thi quyết định.

Các thí sinh đã vào phòng thi tại điểm thi Trường PTDTNT THCS &THPT huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh Trọng Bảo
Các thí sinh đã vào phòng thi tại điểm thi Trường PTDTNT THCS &THPT huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Ảnh Trọng Bảo

Thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Mặt khác, kết quả này cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo thống kê, có khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.

Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.

Một số hình ảnh tại các điểm thi trên cả nước trong ngày thi  tốt nghiệp THPT năm 2023 đầu tiên

Thí sinh gãy chân được các tình nguyện viên hỗ trợ đưa lên phòng thi. Ảnh: Trí Độ
Thí sinh gãy chân được các tình nguyện viên hỗ trợ đưa lên phòng thi. Ảnh: Trí Độ


Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương, Nghệ An, thí sinh Nguyễn Thị Huệ được thành viên đội xe thiện nguyện 0 đồng chở tới dự thi sáng 28/6.Ảnh: N.Thắng
Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương, Nghệ An, thí sinh Nguyễn Thị Huệ được thành viên đội xe thiện nguyện 0 đồng chở tới dự thi sáng 28/6. Ảnh: N.Thắng
Tăng sinh tại Sóc Trăng. Ảnh: Cao Xuân Lương
Tăng sinh tại Sóc Trăng. Ảnh: Cao Xuân Lương
Ảnh: Lâm Thiện
Ảnh: Lâm Thiện
Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Tuấn
Sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi tại Kiên Giang. Ảnh: Hoàng Tuấn
Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.