Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Hơn 143 triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới

PV - 09:57, 22/04/2021

Tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận 143,8 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 3 triệu ca tử vong.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân Ấn Độ. Ảnh: Reuters
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 581.591 ca tử vong trong tổng số 32.477.753 ca nhiễm. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 180.980 ca tử vong trong số 15.414.886 ca bệnh. Đáng chú ý, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ vẫn đang tăng nhanh. Trong 24 giờ qua, quốc gia Nam Á này đã ghi nhận thêm 295.041 ca mắc COVID-19 và 2.023 trường hợp tử vong. Cả hai con số này đều ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã quyết định hủy chuyến công du tới Ấn Độ và Philippines, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Hiện, Nhật Bản cũng đang phải đối phó với số ca nhiễm mới ngày một tăng. Chính phủ nước này đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số tỉnh.

Pháp cũng dự định yêu cầu tất cả những người đến từ Ấn Độ phải cách ly 10 ngày, trong khi Anh đã đưa Ấn Độ vào "danh sách đỏ" hạn chế đi lại nghiêm trọng. Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand, Oman đã ngừng các chuyến bay đi và đến Ấn Độ. Mỹ cũng khuyến cáo người dân không tới quốc gia Nam Á, ngay cả những người đã tiêm phòng đầy đủ. Singapore cũng đã thắt chặt hạn chế đi lại đối với hành khách từ Ấn Độ.

Tại Đông Nam Á, dịch bệnh tại một số nước cũng đang diễn biến rất phức tạp. Ban Chỉ đạo quốc gia Lào về phòng, chống dịch COVID-19 thông báo trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 28 ca nhiễm mới, trong đó có tới 26 ca ở thủ đô Vientiane. Đây là mức tăng cao nhất và là lần đầu số ca nhiễm mới trong ngày ở mức 2 con số kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia Đông Nam Á này. Tính đến nay, Lào đã có 88 người mắc COVID-19 và chưa có trường hợp nào tử vong.

Trong 24 giờ qua, Campuchia ghi nhận thêm 303 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Toàn bộ các ca nhiễm mới này đều liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2, trong đó bao gồm người dân Campuchia và Trung Quốc sinh sống tại các tỉnh/thành Kampot, Takeo, Kandal, Sihanoukville và Phnom Penh. Tính đến thời điểm này, Campuchia có 7.747 ca mắc COVID-19, trong đó 2.794 trường hợp đã được điều trị bình phục.

Số ca nhiễm mới tại Thái Lan cũng tăng cao. Theo Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan, nước này đã ghi nhận thêm 1.458 ca nhiễm mới và 2 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 46.643 và 110. Thủ đô Bangkok ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới nhất với 365 ca, tiếp đó là Chiang Mai (134 ca), Chonburi (80 ca) và Nonthaburi (69 ca).

Một nửa số vùng tại Italy thực hiện biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất để đẩy lùi đợt bùng phát dịch bệnh gần đây. Ảnh: AP
Một nửa số vùng tại Italy thực hiện biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất để đẩy lùi đợt bùng phát dịch bệnh gần đây. Ảnh: AP

Tại châu Âu, dù số ca mắc mới vẫn ở mức cao, song nhiều nước ở châu lục này, trong đó có Pháp, Phần Lan, Hy Lạp đã quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng, chống dịch COVID-19.

Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 43.098 ca mắc COVID-19 và 375 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 5.339.920 và 101.597.

Cùng ngày, nhà chức trách Phần Lan cho biết nước này có thể bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp và hoạt động của giới trẻ từ tuần tới, tuy nhiên vẫn đóng cửa biên giới ít nhất là trong vài tháng.

Tại Hy Lạp, Ngoại trưởng George Gerapetritis cho biết nước này sẽ cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại từ đầu tháng sau. Trong 24 giờ qua, Hy Lạp ghi nhận 3.789 ca mắc mới COVID-19 và 87 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 320.629 và 9.627.